MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Huy chương Vàng “Vũ điệu vùng cao” của Nguyễn Anh Đức (Yên Bái).

Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc: Sòng phẳng, quyết liệt

Việt Văn LDO | 29/10/2020 11:30

Vì tình hình dịch bệnh COVID-19 nên Liên hoan ảnh khu vực miền núi phía Bắc 2020 sẽ chỉ triển lãm online vào tháng 11.2020 còn giải thưởng Ban tổ chức sẽ gửi về từng tác giả ở địa phương. Lần đầu tiên số lượng ảnh chọn vào triển lãm khu vực miền núi phía Bắc chỉ có 130 ảnh so với 170-180 ảnh hằng năm. 130 cho 15 tỉnh, có tỉnh chỉ 4 ảnh triển lãm. Chất lượng ảnh năm nay có vấn đề hay giám khảo chấm quá chặt?

Khoảng cách diệu vợi

Liên hoan năm nay với chủ đề: “Vẻ đẹp đất nước, con người miền núi phía Bắc” do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp với Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên tổ chức đã nhận được 2.003 ảnh của 295 tác giả từ 15 tỉnh, thành phố gồm: Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Kạn, Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Yên Bái. Hội đồng giám khảo gồm 5 thành viên do nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt làm Chủ tịch.

Theo nguyên tắc để đảm bảo các tỉnh có ảnh treo triển lãm, các vòng đầu sẽ là chấm theo tỉnh - mang chất “liên hoan”, còn khi chọn ảnh đoạt giải trong số triển lãm sẽ là chấm “trộn” không phân biệt địa phương - mang chất “thi”.

So với năm ngoái, chất lượng ảnh năm nay có sự phân biệt rõ về khoảng cách; ảnh tốt trội hẳn lên còn ảnh dở thì có khi quá tệ. Một số tỉnh như Phú Thọ, Lạng Sơn, Thái Nguyên… chất lượng hội viên dự thi khá đều.

Rút kinh nghiệm từ một số vụ chấm ảnh lùm xùm trước đó như Liên hoan ảnh khu vực Hà Nội, Ban giám khảo lần này chủ trương chấm chặt, chấm kỹ ngay từ vòng ngoài.

Những ảnh yếu kém, ảnh bắt chước, tương tự những ảnh triển lãm hay đoạt giải của các kỳ liên hoan khu vực miền núi phía Bắc trước đó, bị loại thẳng tay.

Mỗi giám khảo làm việc độc lập ở 4 vòng đầu, đến vòng 5 khi thống nhất chọn ảnh triển lãm thì việc thảo luận, bàn bạc diễn ra theo hình thức “chat group”. Mỗi giám khảo đều có quyền công khai nêu ý kiến và bảo vệ quan điểm của mình, cuối cùng thì bỏ phiếu và dĩ nhiên đa số sẽ thắng.

Những cuộc “chat” kéo dài có khi từ chiều đến tối để chốt ảnh triển lãm và tiếp sau đó là chấm giải. Các giám khảo đều là những nhiếp ảnh gia có thành tích, có bề dày kinh nghiệm bởi thế “bóc lỗi” ảnh rất nhanh, cùng với sự hỗ trợ của kỹ thuật viên nên ảnh nào có sử dụng phần mềm photoshop để cắt, dán, ghép ảnh trái quy định đều bị loại bỏ.

Đáng chú ý là một vài tác phẩm khá ấn tượng, đã được đề xuất vào giải cao, phút cuối lại bị bỏ ra bởi tác giả đã “nhân bản” sản phẩm hoặc bối cảnh lên. Tiếc vì tác giả không cần “nhân bản” ảnh đã tốt, giận vì tác giả cố tình làm sai quy chế.

Một số nhược điểm vẫn mắc phải là nhiều tác giả vẫn “kích màu” quá khi xử lý hậu kỳ làm ảnh rợ và tình trạng lạm dụng Flycam chưa có dấu hiệu giảm.

Bộ giải mạnh

Tuy nhiên cuối cùng thì bộ ảnh đoạt giải với 2 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc, 6 huy chương Đồng và 8 giải Khuyến khích làm ban giám khảo khá hài lòng.

Hai tác phẩm “Phía sau ánh hào quang của cô gái Nùng (số 2)“ của Lê Hồng Đức (Tuyên Quang) và “Vũ điệu vùng cao” của Nguyễn Anh Đức (Yên Bái) đoạt 2 Huy chương Vàng xứng đáng. Tác phẩm đầu có tạo hình mạnh mẽ, ý hay làm bật lên sự tương phản trong ảnh với khuôn mặt xinh đẹp trắng trẻo của cô gái với những bàn tay già nua đen thẫm mang dấu vết thời gian đang cùng vấn khăn quấn tóc cho cô. Trong khi ảnh sau tác giả sử dụng flycam ở góc thấp tạo ra một nhịp điệu thú vị và bố cục mang tính thẩm mỹ cao.

Bốn tác phẩm đoạt Huy chương Bạc còn lại đều có những nét riêng, đề tài đa dạng từ “Trao truyền điệu then cổ” của nữ tác giả Trần Thị Huyền (Thái Nguyên) với không gian đậm chất làng quê, mang chất bảo tồn, trao truyền giá trị văn hóa đặc sắc giữa nghệ nhân và những bạn nhỏ, cho đến cuộc thi chạy marathon của những du khách nước ngoài trong “Đường chạy mùa xuân” của Đinh Văn Hải (Hòa Bình). “Vẽ sáp ong trên vải lanh” của Nguyễn Mạnh Hà (Lào Cai) thể hiện tốt không gian sáng - tối và sự cần mẫn của những người đàn bà H’Mông trong khi cái duyên dáng của đường nét lại hiện lên ở “Phơi vải Chàm” của Nguyễn Sơn Tùng (Lạng Sơn)… Trong số Huy chương Đồng, bức ảnh “Mùa xuân trên nương” của Đinh Việt Hùng (Vĩnh Phúc) là một tác phẩm đáng yêu về hạnh phúc gia đình.

Để “chất” hơn

Điều đáng tiếc nhất là do dịch bệnh nên Liên hoan không thể tổ chức triển lãm ảnh giấy tại Thái Nguyên (đơn vị đăng cai năm nay). Các đoàn đại diện cho 15 tỉnh thành khu vực miền núi phía Bắc sẽ không có cơ hội về giao lưu, gặp gỡ và tranh thủ kéo nhau đi sáng tác như mọi năm.

Và đề tài Liên hoan khu vực miền núi phía Bắc nói riêng và liên hoan các khu vực còn lại phong phú, hấp dẫn hơn, nên chăng tổ chức bên lề song song với triển lãm là một vài workshop ngắn ngày để tập huấn, trao đổi nghiệp vụ về kinh nghiệm sáng tác cũng như những xu hướng mới của nhiếp ảnh hiện nay, rồi tổ chức thi sáng tác ảnh nhanh (Maraton)… Và cần thiết tổ chức một cuộc trao đổi sòng phẳng giữa giám khảo với “thí sinh” để thí sinh biết rõ quan điểm của giám khảo khi chọn ảnh triển lãm, ảnh giải cũng như sự phản hồi của thí sinh sẽ giúp chính giám khảo nhìn nhận và điều chỉnh (nếu cần) công tác thẩm định ảnh.

Cũng đã đến lúc mở rộng thêm thể loại ảnh bộ cho các tác giả dự thi bởi ảnh bộ đang là xu hướng chung của nhiếp ảnh thế giới và Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn