MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phim “Mai” có cảnh nóng của cặp đôi chính. Ảnh: Nhà sản xuất

Lỗ hổng trong việc kiểm soát, dán nhãn phim

Huyền Chi LDO | 24/02/2024 07:38

Hai bộ phim đang được quan tâm nhất phòng vé Việt hiện nay là “Mai” và “Đào, phở và piano” đều chứa cảnh nóng, nhưng được dán nhãn độ tuổi khác nhau.

Để lọt khán giả chưa đủ tuổi

Mùa phim Tết năm nay, có đến 3 phim Việt chứa cảnh nóng là “Mai”, “Đào, phở và piano” và “Trà”. Nếu như “Mai” và “Trà” được gắn nhãn T18 (cấm khán giả dưới 18 tuổi), “Đào, phở và piano” chỉ cấm khán giả dưới 13 tuổi.

Dù vậy, tình trạng các rạp phim bỏ lọt khán giả, qua loa trong khâu kiểm duyệt độ tuổi diễn ra phức tạp, nhất là trong dịp lễ Tết cao điểm.

Theo ghi nhận của phóng viên, một số khán giả phản ánh việc họ không thấy nhân viên rạp phim không yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân với khán giả mua vé xem “Mai”.

Chia sẻ với Lao Động, Phương Thảo (19 tuổi, Hà Nội) cho rằng, xu hướng đặt vé qua ứng dụng di động ngày càng phổ biến, khiến công tác kiểm duyệt độ tuổi khán giả càng lỏng lẻo.

“Mùng 2 Tết, tôi và bạn đi xem “Mai”, gặp các em học sinh lớp 10 vào xem mà không cần kiểm tra căn cước công dân. Ngồi cạnh tôi là một em trai chỉ tầm cấp 2, em cao đến vai tôi nhưng vẫn được vào xem phim dành cho độ tuổi 18+”.

Hiện tại, các cụm rạp ở Việt Nam như CGV, Lotte, BHD... đã áp dụng cách thức mua vé qua ứng dụng. Khi đặt vé, phần mềm yêu cầu xác nhận khán giả đã đủ tuổi và không có bước xác minh cụ thể như chụp 2 mặt căn cước công dân, điền thông tin người đặt vé hay cam kết độ tuổi. Sau đó, khi đến rạp, khán giả tự quét mã vạch và chờ hệ thống in vé tự động.

Nhân viên ở cửa soát vé hầu như chỉ nhìn mặt, đếm người tương ứng với lượng vé, từ đó để lọt nhiều khán giả phổ thông vào xem phim dán nhãn T18.

Trao đổi với Lao Động, ông Lê Thanh Liêm - Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các Sở Văn hóa địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra các rạp chiếu phim sau vụ việc một số rạp phim không kiểm soát chặt chẽ khán giả dưới 18 tuổi xem phim “Mai”.

Dán nhãn thế nào cho phù hợp?

Bảng Tiêu chí phân loại phim được Cục Điện ảnh ban hành để phổ biến theo lứa tuổi được chia làm bốn mức: P (được phép phổ biến rộng rãi), T13 (cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 13), T16 (cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 16) và T18 (cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 18).

Một số yếu tố được hội đồng quản lý, kiểm duyệt dựa vào để phân loại nhãn gồm: cảnh nóng - khỏa thân, bạo lực, kinh dị, ma túy và các chất kích thích... Thế nhưng, những quy định này mới dừng lại ở việc định tính chứ chưa có định lượng cụ thể.

Trong dự thảo yêu cầu các cảnh tình dục không được “mô tả thường xuyên và chi tiết”, “không kéo dài” ở những phim T13. Tuy nhiên, tiêu chí “thường xuyên” là thời lượng bao lâu và “chi tiết” nghĩa là gì vẫn chưa được làm rõ. Tương tự, phim C18 (cấm khán giả dưới 18 tuổi) yêu cầu không có cảnh hình xăm phản cảm nhưng không nêu rõ thế nào là phản cảm.

Bộ phim “Đào, phở và piano” lấy đề tài chiến tranh cũng chứa cảnh nóng ở đầu và cuối phim, gắn nhãn T13.

Trong cuộc trò chuyện với Lao Động, một nhóm học sinh lớp 12 trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) bày tỏ các em bất ngờ khi phim có cảnh nóng ngay từ khi mở đầu.

“Theo dõi cảnh nóng khiến chúng em khá ngại ngùng. Em không nghĩ cảnh nóng này có thể phổ biến với khán giả dưới 16, nếu phim dán nhãn T16 sẽ phù hợp với khán giả nhỏ tuổi hơn”, em Ngân Giang chia sẻ ý kiến sau khi xem phim.

Việc dán nhãn phim khi đi vào thực tiễn luôn nảy sinh nhiều tranh cãi, khi quan điểm về cảnh nóng có thể sa vào cảm tính, chủ quan.

Tiến sĩ Phan Bích Hà - nguyên Hiệu trưởng Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM - từng đặt vấn đề: “Trong Điều C Khoản 3 của thông tư có nhắc đến việc miêu tả, mô phỏng hành vi tình dục của con người được thể hiện một cách nghệ thuật, hay chân thực, hay mang tính thô thiển, đồi trụy. Vậy thì như thế nào là nghệ thuật? Như thế nào là chân thực? Thế nào là đồi trụy? Điểm này quá trừu tượng và không có chuẩn mực nào để đánh giá. Cùng một cảnh phim đó sinh viên xem thấy bình thường nhưng người lớn tuổi lại lắc đầu. Điều này khó thuyết phục các em sinh viên rằng đâu là chuẩn mực”.

Cùng xem cảnh nóng, sẽ có người thấy sốc, có người thấy bình thường, đó chính là điểm rất khó và dễ gây tranh cãi.

Việc cắt duyệt một cách gắt gao những cảnh nhạy cảm như bạo lực, cảnh nóng... bị ví như sợi dây trói buộc khả năng sáng tạo của nhà làm phim, ảnh hưởng đến ý đồ nghệ thuật của tác phẩm. Thế nhưng, làm thế nào để cởi trói cho cảnh nóng cho phim Việt vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn