MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lo ngại khi sửa chữa biểu tượng Tháp Trầm Hương ở Khánh Hòa

Hữu Long LDO | 21/10/2022 17:40

Khánh Hòa - Tháp Trầm Hương là công trình văn hóa, lịch sự đặc biệt của địa phương. Việc có một đơn vị sửa chữa, cải tạo khu vực Tháp nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận.

Ngày 21.10, Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Khánh Hòa xác nhận đang tiến hành cải tạo, sửa chữa, quảng bá và phát huy giá trị các sản phẩm đặc trưng tại Tháp Trầm Hương.

Việc sửa chữa sẽ do Công ty Yến Sào Khánh Hòa - đơn vị quản lý đảm nhận trên cơ sở xây dựng phương án cải tạo, sửa chữa (không làm thay đổi kết cấu) tại Tháp Trầm Hương.

Tháp Trầm Hương trước khi được sửa chữa.

Theo ghi nhận trong những ngày tháng 10 này, bên trên tầng cao nhất của Tháp Trầm Hương thường xuyên có nhóm công nhân dựng giàn giáo để sửa chữa, cạo lớp sơn màu hồng bên ngoài để thay nước sơn mới.

Quanh khu vực tháp đã được dựng tôn bảo vệ. Trong khuôn viên Tháp Trầm Hương, các phương tiện máy múc cũng được huy động để cải tạo mặt bằng. Một lượng lớn gạch, xi măng được vận chuyển vào bên trong để phục vụ việc xây dựng.

Toàn bộ hệ thống gạch ốp cũ trong khuôn viên Tháp Trầm Hương đã được dở bỏ hoàn toàn. Đáng nói lớp gạch ốp này còn tương đối tốt, chưa có dấu hiệu xuống cấp. Trong khuôn viên tháp, duy chỉ có hàng cây xanh được giữ lại.

Hình ảnh trước và mới chụp cho thấy, toàn bộ phần gạch ốp bên ngoài khuôn viên Tháp Trầm Hương được dở bỏ hoàn toàn. Ảnh Trần Minh Ngọc

Quá trình sửa chữa Tháp Trầm Hương, đến nay dư luận đã bày tỏ những tác động tiêu cực của con người vào kiến trúc ban đầu của tháp, từ đó mất đi giá trị nguyên bản của công trình văn hóa đặc biệt này.

Mới đây vào ngày 19.10 tại họp báo quý III, ông Nguyễn Thanh Hà – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, việc sửa chữa chủ yếu được thực hiện bên ngoài theo hướng nâng cấp chứ không thay đổi kết cấu ban đầu của tháp.

"Tháp Trầm Hương là công trình tâm linh, là điểm nhấn về du lịch của địa phương. Việc sửa chữa chỉ làm cho công trình đẹp lên" - ông Nguyễn Thanh Hà nói.

Nhiều người lo ngại việc sửa chữa sẽ tác động tiêu cực vào công trình Tháp Trầm Hương. Ảnh Trần Minh Ngọc.

Trước đó, ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng khẳng định, không có chuyện sửa lại Tháp Trầm Hương. Thay vào đó, tỉnh chỉ có trang trí, sửa chữa bên trong do công trình xuống cấp.

Trước thông tin về việc Tháp Trầm Hương được giao cho doanh nghiệp kinh doanh, ông Nguyễn Tân Tuân khẳng định, quan điểm của tỉnh là không xem nơi đây để làm buôn bán trầm hay yến sào. Đây là nơi trang nghiêm, chỉ thờ tự trưng bày các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Khánh Hòa.

Sau giải phóng, tỉnh Phú Khánh (cũ) đã xây dựng Đài liệt sĩ Nha Trang để tưởng niệm công ơn liệt sĩ. Năm 2004, Khánh Hòa chuyển việc thờ cúng tưởng niệm liệt sĩ về Nghĩa trang Liệt sĩ Hòn Dung. Công trình Đài liệt sĩ Nha Trang được dỡ bỏ để xây dựng “công trình nghệ thuật Hoa Biển” với tổng mức đầu tư hơn 10 tỉ đồng. Một năm sau, dự toán điều chỉnh bổ sung của công trình Hoa Biển đội lên tới 18,3 tỉ đồng.

Năm 2006, việc xây dựng công trình nghệ thuật Hoa Biển được Khánh Hòa cho phép xã hội hóa. Có 6 doanh nghiệp đứng ra xin nhận xây dựng công trình. Cuối cùng, việc xây dựng do Công ty CP Du lịch, Thương mại Vinpearl chủ trì.

Sau này, công trình nghệ thuật Hoa Biển xây xong phần thô với 9 tầng nhưng không còn tồn tại. Thay vào đó, các doanh nghiệp xây dựng phương án kiến trúc Tháp Trầm Hương thay thế. Năm 2008, tỉnh Khánh Hòa tổ chức Lễ khánh thành Tháp Trầm Hương và giao cho Công ty Du lịch Khánh Hòa quản lý. Đến nay, việc quản lý được tỉnh giao cho Công ty TNHH MTV Yến sào Khánh Hòa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn