MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lô tô là gì và câu chuyện về những gánh lô tô

Chí Long LDO | 16/07/2024 09:08

Câu chuyện về những mảnh đời, số phận trong gánh hát lô tô đã không chỉ một lần xuất hiện trên màn ảnh Việt.

Lô tô là cụm từ lạ lẫm với người dân miền Bắc nhưng lại vô cùng quen thuộc với miền Tây Nam bộ. Đây là loại hình văn hóa, giải trí dân gian cực phát triển tại khu vực này trong những năm 80 của thế kỷ 20.

Tên gọi "lô tô" được dịch từ tiếng Pháp "loto" (bắt nguồn từ tiếng Ý "lotto"), có nghĩa là "rất nhiều".

Trò chơi này lần đầu xuất hiện ở Ý từ thế kỷ 16 và dần lan truyền rộng rãi ra các nước trên thế giới. Ở Mỹ cũng có 1 phiên bản tương tự lô tô là Bingo, phổ biến ở các hội chợ vào thập niên 1920.

Cuộc sống của những “cô đào” trong gánh hát lô tô được khắc họa trên phim ảnh Việt. Ảnh: Nhà sản xuất

Lô tô còn thường gắn liền với những điệu lý, câu hò, bài vè... vào những dịp lễ hội hay Tết Nguyên Đán.

Người quản trò sẽ bốc ngẫu nhiên một con số trong lồng cầu hoặc túi nhựa (thông thường sẽ có khoảng 60 hoặc 90 số).

Sau đó, họ sẽ hát một bài hát để gọi tên con số đó và từ cuối cùng của bài hát đó sẽ là từ đồng âm với con số vừa bốc. Người chiến thắng sẽ là người đánh dấu đủ các số hàng ngang trên cùng một tấm vé được quản trò kêu.

Ví dụ, trong cách kêu con số 5:

Con mấy gì đây, con mấy gì đây, cờ ra con mấy...

Tóc mai sợi ngắn, sợi dài

Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm

Con số năm (5), con số năm (5).

Lô tô Việt Nam khác với các phiên bản quốc tế ở sự kết hợp giữa trò chơi giải trí, tạp kỹ, văn nghệ với trò chơi trúng thưởng. Các gánh hát lô tô chủ yếu do người chuyển giới nữ hoặc nam cả trang thành nữ vận hành và biểu diễn. Nhiều gánh lô tô tận dụng phần dưới sân khấu để làm nơi ở và sinh hoạt của cả đoàn.

Những "cô đào" và gánh hát lô tô từng không ít lần xuất hiện trên màn ảnh Việt. Trong đó, có thể kể đến phim tài liệu "Ký ức lô tô", "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng", phim điện ảnh "Lô tô", "Mến gái miền Tây"...

Đa số các bộ phim đều khắc họa những "cô đào" lô tô là người chuyển giới hoặc khát khao được chuyển giới. Họ từng có cuộc sống nghèo khó, thậm chí khổ cực, bất hạnh, trải qua nhiều ánh nhìn kỳ thị, khinh miệt của những người xung quanh, nhưng vẫn kiên trì bám đuổi với nghề, tự hào kiếm kế mưu sinh bằng sức lực của chính mình.

"Lô tô" (2017) là một trong những bộ phim được đánh giá cao nhất về đề tài này trên màn ảnh rộng Việt Nam. Tác phẩm kể về cuộc sống nay đây mai đó, "trôi sông lạc chợ" của gánh hát Phù Hoa. Cậu bé được cha mẹ đặt tên là Đực nhưng mang tâm hồn của một người con gái, bị gia đình hắt hủi, dằn vặt đến mức phải bỏ nhà đi.

Những “cô đào” thường chọn sống hơn nửa phần đời trong gánh hát. Ảnh: Nhà sản xuất

Hầu hết các bộ phim về những "cô đào" chuyển giới trong gánh hát lô tô đều mang đến câu chuyện đau buồn, đẫm nước mắt.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện tại, người chuyển giới đang ngày càng chứng minh được bản thân, có chỗ đứng, tiếng nói của riêng mình. Những gánh hát lô tô vẫn hoạt động, mang đến niềm vui, tiếng cười cho mọi người và số phận các "cô đào" dần không còn bị xã hội nhìn bằng ánh mắt khắt khe như trước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn