MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một tác phẩm trong bộ “Sold” của Ernst Coppejans (Hà Lan). Nguồn ảnh: Lensculture

Loạt ảnh chân dung ẩn danh đầy ám ảnh

Việt Văn LDO | 04/04/2020 10:14

Trong số các tay máy nổi lên thời gian gần đây, nhiếp ảnh gia Ernst Coppejans (Hà Lan) gây chú ý khi tập trung vào các dự án chân dung chuyên nghiệp cá nhân. Điểm mạnh của anh chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính nghệ thuật và tính tài liệu trong các bức ảnh “ý niệm” (concept).

Tốt nghiệp Học viện nhiếp ảnh Amsterdam sau khi theo nghề thiết kế sản phẩm, các ý tưởng ảnh của Coppejans, nổi lên từ những trải nghiệm và sự tò mò về cuộc sống của những người thoạt nhìn có vẻ như bình thường nhưng lại không thiếu bi kịch. Bộ ảnh mới đây mang tên “Sold” (Đã bán) gây ấn tượng mạnh, vừa đoạt giải nhất ảnh chân dung của Lensculture (Mỹ) là một minh chứng nổi bật.

Chân dung ẩn danh

Coppejans đã làm việc trong dự án nhiếp ảnh cá nhân này hơn 2 năm. Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí nổi tiếng Lensculture (Mỹ), anh cho biết đã khá ngạc nhiên khi biết có một nơi trú ẩn cho các nạn nhân của nạn buôn người ở Amsterdam. “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng đây là một vấn đề xảy ra ở Hà Lan, thông tin đó ám ảnh tôi. Tôi muốn biết nhiều hơn và bắt đầu nghiên cứu. Phải mất một thời gian dài để có thể gặp gỡ những người dũng cảm này và thậm chí lâu hơn để có được sự tin tưởng để thực hiện chân dung của họ. Tôi đã nghe nhiều câu chuyện cá nhân kinh hoàng, phát hiện ra những sự thật và thống kê về nạn buôn người (ở Hà Lan và trên toàn thế giới) đang tàn phá và nó không thể đo lường được”.

“Sold” là một series với 27 bức ảnh về các nạn nhân của nạn buôn người ở Hà Lan và cùng với đó là những câu chuyện đau khổ về việc bị bắt giữ, lạm dụng, rồi trốn thoát và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Điểm đặc biệt trong “Sold” chính là những bức ảnh chân dung không rõ mặt - chân dung ẩn danh.

Ernst Coppejansad phải chụp nạn nhân ẩn danh để bảo vệ danh tính của nhân vật, tránh những nguy hiểm, rắc rối sau này. Cảnh sát và bộ tư pháp vẫn đang điều tra những trường hợp này và gần 90% thủ phạm chưa bị bắt. Nhiếp ảnh gia Hà Lan đã khéo léo sử dụng ánh sáng và tạo hình cho nhân vật để họ ẩn danh nhưng vẫn gây ấn tượng với người xem. Một lối chụp ảnh chân dung đương đại mà ở đó, sự kết hợp khéo léo giữa tính đồng dạng của các chi tiết trong dáng hình nhân vật và bối cảnh, khiến cho bức ảnh tĩnh mà có nhịp điệu.

Lúc Ernst Coppejansad để nhân vật nam chùm kín mặt hở ngực trong nền xanh hy vọng, lúc anh để nhân vật nữ dùng mạng che mặt ngồi trên giường hướng ra ngoài cửa sổ ánh sáng tràn trề và có khi anh để cô gái dùng tay che mặt, khi lại lọn tóc phủ kín… Các bức chân dung được chụp trong những nơi trú ẩn của những nạn nhân, với những bộ quần áo đang mặc là thứ tài sản duy nhất và đó có thể là sự khởi đầu của một cuộc sống tốt hơn.

Điểm nhìn của tác giả và câu chuyện

Ernst Coppejansad không miêu tả nhân vật là nạn nhân mà cố gắng thể hiện sức mạnh và vẻ đẹp của họ, những người rất mạnh mẽ để có thể vượt qua những gì rất khủng khiếp đã xảy ra. Vì ai cũng có hy vọng và ước mơ, về một cuộc sống tốt đẹp ở phía trước.

Tác giả đã dành thời gian để kết thân với nhân vật, chiếm được cảm tình và niềm tin để cùng cộng tác trong một dự án ảnh. Và hơn thế, họ kể cho anh những câu chuyện về cuộc đời mình. Đó là người đàn bà Romania bị chính mẹ chồng người Italia bán đi ngay khi vừa có con. Và cô ta phải làm ở một khách sạn ở Hà Lan, phải bán dâm suốt 2 năm trời, phải tiếp 10 khách mỗi ngày mà không có tiền. Hay một phụ nữ khác đã trở thành một bà mẹ ở tuổi 16, sau khi bố mẹ qua đời bị dì bán đi để giải quyết các khoản nợ mà họ đã để lại. Cô đã phải trải qua một hành trình dài gian khổ để rồi bị giam giữ trong một nhà thổ. Cho đến một ngày nọ, may mắn cô  trốn thoát với sự giúp đỡ của một nhóm các tín đồ của một nhà thờ. Và có cả người đàn ông ngoại quốc đến Hà Lan không biết tiếng và trở thành con mồi của những kẻ buôn người, tội phạm…

Ernst Coppejansad nói trên Lensculture: “Tôi đã học được rằng buôn bán nô lệ không phải là điều chỉ xảy ra ở những quốc gia xa xôi. Trên thực tế, đây là một vấn đề toàn cầu. Và nó gần với tất cả chúng ta, bất kể bạn sống ở đâu. Những người tôi miêu tả đã có thể rời khỏi nơi trú ẩn và cố gắng trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng sẽ có những người khác lấp đầy các phòng tại các nhà tạm trú ngày hôm nay. Đó dường như  là một dòng chưa thấy điểm dừng…”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn