MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bona được khen khi đóng vai chính trong phim “Trò chơi kim tự tháp”. Ảnh: Nhà sản xuất

Lời cảnh tỉnh từ “Trò chơi kim tự tháp” - phim Hàn về bạo lực học đường

An Nhiên LDO | 01/04/2024 08:36

Đạo diễn, diễn viên phim “Trò chơi kim tự tháp” nói về thông điệp cũng như tác dụng phụ của phim.

Trò chơi kim tự tháp” (Pyramid Game) lấy đề tài bạo lực học đường, xoay quanh Sung Su Ji (Bona) - nữ sinh trung học mới chuyển đến lớp 2-5 của trường nữ sinh Baekyeon.

Tại đây, mỗi ngày đến trường với Su Ji trở thành cơn ác mộng khi các thứ bậc trong lớp dựa trên một hệ thống xếp hạng được gọi là trò chơi kim tự tháp.

Hàng tháng, tổng số học sinh sẽ bình chọn bạn học được yêu thích nhất và xếp thành 5 cấp độ từ A đến F. Và tùy theo số phiếu bầu, người nhận hạng F sẽ trở thành nạn nhân bị bắt nạt trong tháng.

Sau 10 tập chiếu, phim kết thúc vào ngày 21.3 với việc Su Ji và các bạn học trong lớp 2-5 đã thoát khỏi vòng luẩn quẩn của hệ thống kim tự tháp và chuyển sang ngôi trường mới - trường trung học nữ sinh Mi Ryo.

Trong khi đó, Baek Ha Rin (Jang Da Ah) và các giáo viên, những người che giấu cho trò chơi tàn ác này cũng đã phải trả giá cho hành động sai trái của mình.

Một cảnh trong phim. Ảnh: Nhà sản xuất

Trong cuộc trò chuyện mới cùng The Korea Times, đạo diễn Park So Yeon nhấn mạnh, cốt truyện đóng vai trò là lời cảnh tỉnh không chỉ đối với học sinh mà cả người lớn về tình trạng bắt nạt học đường.

“Tôi muốn nâng cao nhận thức về mức độ nghiêm trọng của nạn bắt nạt học đường thông qua tác phẩm này. Tôi muốn cho thấy sự thờ ơ và vô cảm của mọi người có thể dẫn đến bạo lực học đường đáng sợ như thế nào.

Chính sự thiếu nhận thức và thờ ơ đã dẫn đến việc trò chơi này ra đời. Tôi tin rằng, những người lớn bỏ mặc trẻ em chơi những trò chơi như vậy mới là những người thực sự tạo ra trò chơi này.

Câu chuyện diễn ra với các em học sinh nhưng sức nặng của tác phẩm này lại đè lên vai người lớn, yêu cầu họ đến xem. Tôi mong mọi người có thể thoát khỏi sự thờ ơ, vô cảm để nhìn kĩ xung quanh mình”.

Đáng nói, dù đạo diễn nỗ lực truyền tải thông điệp ý nghĩa, nhưng sự nổi tiếng của phim lại dấy lên lo ngại về khả năng học sinh bắt chước trò chơi.

Đây cũng là nguyên nhân khiến một số trường ở Jeonju (tỉnh Jeollabuk, Hàn Quốc) đã gửi thư cảnh báo tới các phụ huynh học sinh để cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn.

Đạo diễn Park So Yeon bất ngờ khi phim có tác dụng phụ. Ảnh: Nhà sản xuất

Nói về điều này, nữ đạo diễn thẳng thắn: “Tôi muốn khắc họa những thay đổi tâm lí của học sinh với chủ đề bắt nạt học đường và truyền tải thông điệp qua câu chuyện của các em. Vì vậy, tôi khá ngạc nhiên khi biết về vấn đề này.

Tôi muốn nâng cao nhận thức về nạn bắt nạt học đường bằng cách cho thấy học sinh tự phá hủy trò chơi như thế nào, nhưng nghe những tác dụng phụ như vậy khiến tôi thấy khó chịu. Tôi ưu tiên không cổ vũ bạo lực, đó là nguyên tắc quan trọng nhất”.

Trong khi đó, nữ chính Bona (vai Su Ji) cho biết: “Thông điệp của “Trò chơi kim tự tháp” là bạo lực học đường không thể biện minh được bằng bất cứ điều gì. Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi thấy học sinh bắt chước nó.

Tôi cho rằng, việc mất khả năng phán đoán ở trẻ chưa trưởng thành là một phần tự nhiên trong quá trình trưởng thành của mỗi người. Và tác dụng phụ sau phim nêu rõ sự cần thiết về việc người lớn phải tăng cường sự quan tâm đối với học sinh” - Bona nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn