MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Luật sư nói về "bạo lực mạng" từ vụ Cửa Lò đến hiệu trưởng cầm quyền trượng

Huyền Chi LDO | 03/08/2022 19:00
Trao đổi với PV Lao Động, luật sư Trần Bá Học (Đoàn Luật sư TP.HCM) có những chia sẻ xung quanh làn sóng miệt thị, xúc phạm ngày càng lớn trên mạng xã hội sau các vụ việc "team building Cửa Lò" và "hiệu trưởng cầm quyền trượng".

Cộng đồng mạng đang có những cuộc tấn công “khủng khiếp” (chữ dùng của Tiến sĩ về văn hóa Đặng Thiếu Ngân) nhằm vào bất cứ ai, bất cứ vụ việc nào, trên mạng xã hội, trong các hội nhóm, diễn đàn.

Qua vụ "ngực trần" ở Cửa Lò và hiệu trưởng cầm quyền trượng, hiện trạng bạo lực trên mạng xã hội ngày càng đáng báo động.

Phóng viên Lao Động có cuộc trò chuyện với luật sư Trần Bá Học về việc quản lý, xử phạt các hành vi ứng xử trên không gian mạng.

Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 với khung cho tội danh: Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác thì bồi thường tới 30 triệu đồng và có thể bị án tù tới 3 năm. Theo ông, việc cộng đồng mạng xúc phạm, miệt thị ngoại hình những người phụ nữ trong vụ "team building Cửa Lò" có đủ cơ sở cấu thành hành vi “xúc phạm danh dự, nhân phẩm”?

- Ở trên mạng xã hội, việc xác minh danh tính những người có lời lẽ thiếu văn hóa, xúc phạm cá nhân là rất khó. Mạng xã hội là mạng công khai nên chưa đủ cơ sở để xác định đối tượng có hành vi xúc phạm trực tiếp, có dấu hiệu cấu thành tội "Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác" trong Điều 155 Bộ luật Hình sự. 

Hiện tại, luật pháp đã có đầy đủ biện pháp để xử phạt các cá nhân miệt thị, xúc phạm người khác. Luật hóa sẽ được điều chỉnh bởi 3 luật. Đầu tiên là Luật Dân sự. Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác sẽ phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp nạn nhân đệ đơn xin xử lý.

Thứ hai là vi phạm xử phạt hành chính. Hiện nay, chế tài xử phạt đã có, được quy định trong các nghị định, hướng dẫn của chính phủ về truyền thông, mạng xã hội. Tuy nhiên, theo tôi đánh giá, mức xử phạt hành chính vẫn còn khá nhẹ nhàng, chưa đủ sức răn đe. Nếu cần thì luật phải tăng giá trị khung hình phạt lên.

Thứ ba là luật hóa được điều chỉnh bởi luật hình sự. Trong trường hợp hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác, hành vi đó có dấu hiệu tấn công liên tục, có chủ đích hướng đến cá nhân cụ thể.

Nếu nạn nhân nói đích danh, xác định được rõ nhân vật đang xúc phạm thì có thể làm đơn đề nghị xem xét về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm theo quy định của Bộ luật Hình sự, Điều 155. 

Luật sư Trần Bá Học. Ảnh: NVCC.

Theo đánh giá của nhiều người, MXH ngày càng trở nên đáng sợ, khi cư dân mạng quá đông đảo, "hung hãn", tấn công, xúc phạm bất cứ ai. Theo ông, làm thế nào để có biện pháp xử phạt đối với số đông này? Phải chăng họ đang lạm dụng quyền tự do ngôn luận và chức năng ẩn danh trên mạng xã hội?

- Trường hợp họ có dấu hiệu lạm dụng tự do ngôn luận, dùng nhiều lời lẽ vô văn hóa, nhưng ở trên mạng xã hội nên cơ quan chức năng rất khó để quản lý. Việc xác định đối tượng cũng rất khó, bởi vì các trang mạng có chức năng ẩn danh.

Phía các nhà mạng sẽ không cung cấp đích danh thông tin người đăng ký, cần bảo vệ bí mật đời tư. Nếu có cơ quan công an vào cuộc điều tra thì các trang mạng mới cung cấp, còn nếu không có đơn tố tụng thì họ không thể tiết lộ thông tin cá nhân được. Đó là vấn đề còn bất cập.

Trên thực tế, cá nhân không thể truy xét, kết luận ai vi phạm trừ khi một tài khoản, một người dùng Facebook cụ thể thừa nhận hành vi. Muốn điều tra, cơ quan chức năng phải có những văn bản pháp lý, ví dụ như quyết định yêu cầu thu thập tài liệu chứng cứ để yêu cầu cơ quan chủ quản cung cấp thông tin người dùng. 

Có phải vì khó truy xét, xử lý nên các hành vi ứng xử trên mạng xã hội ngày càng tiêu cực, độc hại và khó kiểm soát hơn?

- Thật ra, luật hóa đã có khung hình phạt rồi, có được áp dụng rộng rãi hay không còn phụ thuộc vào việc thực thi pháp luật. Các hành vi vi phạm thì quá nhiều, còn cơ quan quản lý nhà nước lại có giới hạn trong việc xử lý. 

Nếu có hành vi xảy ra, có đơn tố giác thì cơ quan chức năng mới tiến hành xử lý. Còn khi không có đơn thư thì họ không xử lý trừ một số trường hợp ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, nhà nước. 

Các cá nhân muốn được xử lý thì phải làm đơn. Tuy nhiên quy trình làm đơn đề nghị rất rắc rối, tốn thời gian nên những người bị xúc phạm cũng e dè, ái ngại, vì làm cũng không tới đâu mà còn mất thời gian. Vì vậy, đôi lúc tâm lý người bị xúc phạm cũng e ngại. Điều này cũng đặt ra vấn đề về cách thức, cơ chế quản lý, giải quyết các vụ việc.

Những người phụ nữ trong vụ việc ở Cửa Lò bị cư dân mạng miệt thị, chê bai bằng những từ ngữ kém duyên, ác ý. Ảnh: MH

Ngoài vụ Cửa Lò, mạng xã hội gần đây còn tranh cãi về vụ việc Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế cầm quyền trượng ở lễ tốt nghiệp. Không ít người đã buông lời miệt thị, bình luận khiếm nhã về hình ảnh này. Qua 2 vụ việc, có cảm giác chúng ta đang sống trong 1 xã hội phán xét, ai cũng có thể có quyền bình phẩm về đạo đức, nhân cách, ngoại hình của người khác. Góc nhìn của anh về vấn đề này như thế nào?

- Có thể do nhận thức, trình độ, cách tiếp cận về một câu chuyện còn hạn chế, nên nhiều người có những bình luận tiêu cực. Nhưng vẫn rất khó để giải quyết triệt để, vì vậy chỉ có cách giáo dục, còn xét về hành vi thì vô số, rất nhiều dạng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn