MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lương thấp, nghệ sĩ chật vật bám trụ với nghề

Chí Long LDO | 08/03/2023 16:15

Mức lương thấp, ít được quan tâm khiến các nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật như chèo, tuồng, kịch, xiếc, múa... phải vất vả mưu sinh, khó khăn bám trụ với nghề.

Ba đời làm nghệ thuật... không có thu nhập cao

Là những nghệ sĩ nổi tiếng, góp sức đưa xiếc Việt Nam vươn tầm thế giới, anh em Quốc Cơ – Quốc Nghiệp từng trải lòng về việc phải vất vả mưu sinh. Đôi khi, cả hai phải đi diễn đám cưới để có thêm thu nhập.

Quốc Nghiệp cho biết gia đình anh đã 3 đời làm nghệ thuật, nhưng không thể có thu nhập cao. Giống như anh, nhiều nghệ sĩ xiếc khác cũng phải làm đủ nghề để lo toan, trang trải cho cuộc sống hàng ngày.

Nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ - Quốc Nghiệp từng phải đi diễn ở đám cưới kiếm tiền mưu sinh. Ảnh: Hải An

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh kéo dài, các show không bán được vé, đa số nghệ sĩ xiếc phải ngừng biểu diễn. Vợ chồng chị Lưu Thị Hường (nghệ sĩ xiếc đương đại - rạp xiếc Trung ương) rơi vào cảnh thiếu thốn khi thu nhập chỉ còn một nửa so với trước kia.

Nỗi lo cơm ám gạo tiền đè nặng trên đôi vai, khiến các nghệ sĩ xiếc loay hoay, chật vật. Không ít người đã nghĩ đến chuyện bỏ nghề, tìm việc khác kiếm sống.

Nằm trong số những người bám trụ ở lại, dù sân khấu không sáng đèn, vợ chồng chị Hường vẫn kiên trì đến rạp luyện tập. Song, ngoài giờ diễn, họ phải chạy vạy làm nghề shipper, bán rau củ… để có tiền sống với đam mê.

Ngày càng ít người học về chèo vì không đủ kiếm sống

Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Tự Long - Phó giám đốc Nhà hát chèo Quân Đội tiết lộ, anh vẫn thường xuyên đi diễn chèo với mức cát-xê dành cho NSND là 250.000 đồng/đêm diễn.

Đó là khi Nhà hát chèo Quân Đội vẫn có đối tượng khán giả riêng, có lịch diễn đều. Các nghệ sĩ trong Nhà hát vẫn có lương, có chế độ, thu nhập ổn định dù ít ỏi nhưng không phải đoàn chèo nào cũng may mắn như vậy.

Tự Long luôn cố gắng đưa chèo đến gần hơn với khán giả. Ảnh: Facebook nhân vật

Trao đổi với Lao Động, NSND Tự Long thừa nhận rằng nghệ thuật chèo nói chung đã rơi vào tình trạng thoái trào, mất dần vị thế trong đời sống văn hóa nghệ thuật dân tộc. Nếu như trước kia, giai đoạn những năm 1980-1990, tỉnh nào cũng có một đoàn chèo, từ Nghệ An đến Tuyên Quang, Phú Thọ… thì dần dần, những đoàn chèo đều đã phải tan giã.

Tự Long chia sẻ: “Hiện tại, có ngày càng ít người học về chèo, ít người muốn theo chèo, vì không đủ sống”.

Theo anh, giới trẻ hiện nay đã quên chèo, thế hệ con cháu sau này có thể không còn biết chèo là gì nữa.

Đồng dạng, nhiều loại hình nghệ thuật cổ truyền của dân tộc cũng chịu sức ép của cơ chế, những biến thiên xã hội, chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình giải trí bùng nổ khác.

Nhiều nghệ sĩ chật vật bám trụ với nghề

Làm việc trong nghề múa nhiều năm, nghệ sĩ Lệ Thanh (Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam) nhận mức lương 3 triệu đồng/tháng. Chị cho biết, những người trẻ tuổi vào sau chỉ được lĩnh khoảng 2 triệu đồng. Trong khi, các cộng tác viên được tính tiền theo buổi tập, thu nhập bấp bênh, chẳng đáng là bao.

Để kiếm thêm tiền lo cho gia đình, Lệ Thanh phải nghĩ cách làm thêm ngoài thời gian tập luyện tại Nhà hát. Chị mở thêm trung tâm dạy múa, nhận các chương trình nhỏ, múa phụ họa cho các ca sĩ để tăng thu nhập.

Hình ảnh tập luyện của nghệ sĩ múa Lệ Thanh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mỗi buổi biểu diễn bên ngoài, Lệ Thanh kiếm khoảng 700.000-900.000 đồng. Nếu diễn nhiều, thu nhập một tháng của chị được khoảng 10 triệu đồng.

So với nhiều môn nghệ thuật khác, múa có cường độ luyện tập cao, nhiều bài tập khắc nghiệt. Để biểu diễn thành công trên sân khấu, người nghệ sĩ múa phải đổ nhiều mồ hôi, công sức, thậm chí đánh đổi cả tuổi trẻ, sức khỏe.

Lệ Thanh chia sẻ: "Tôi thường ra khỏi nhà lúc 7h sáng và về nhà lúc 10h tối. Kết thúc công việc tại Nhà hát, tôi đi dạy thêm hoặc diễn thêm bên ngoài nên vợ chồng tôi thống nhất với nhau là không ăn cơm cùng nhau tại nhà".

Mức thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày khiến Lệ Thanh cùng chồng phải bận rộn ngược xuôi, không có một bữa cơm chung. Dù vậy, giống như nhiều đồng nghiệp khác, chị vẫn cố gáng kiên trì, bền bỉ bám trụ với nghề.

Từ ngày 9.10.2022, Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội lấy ý kiến về đề xuất tăng tiền bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn cho các Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú. Theo đó, đối với các buổi diễn, Nghệ sĩ Nhân dân được hỗ trợ thêm 200.000 đồng/buổi, tương đương mức bồi dưỡng cho các diễn viên, nhạc công chính, người chỉ đạo chương trình, vở diễn. Nghệ sĩ Ưu tú được thêm 100.000 đồng/buổi.

Đối với các buổi tập, Nghệ sĩ Nhân dân được hỗ trợ thêm 80.000 đồng/buổi, tương đương mức bồi dưỡng của diễn viên chính trong vở diễn sân khấu, opera, ballet, ca sĩ hát chính, nhạc công độc tấu. Nghệ sĩ Ưu tú được thêm 40.000 đồng/buổi.

Dù không cao, mức hỗ trợ này được kỳ vọng phần nào giúp các nghệ sĩ vơi bớt nỗi lo kinh tế, có thêm động lực bám đuổi với nghề.

Mới đây, tại cuộc họp về Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 - 2030, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Văn phòng Chính phủ rà soát, đôn đốc các Bộ, ngành, báo cáo Lãnh đạo Chính phủ về giải quyết vướng mắc có liên quan đến cổ phần hoá Hãng Phim truyện Việt Nam, đặc biệt là chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, diễn viên trước ngày 15.3.2023.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn