MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lưu giữ âm hưởng của đại ngàn Tây Nguyên

BẢO TRUNG LDO | 31/05/2023 09:06

Đắk Lắk - Trước thực trạng âm nhạc dân tộc có nguy cơ mai một giữa cuộc sống hiện đại, với lòng đam mê nhạc cụ, nhiều người Ê Đê tại tỉnh Đắk Lắk luôn trăn trở về việc chế tác, truyền dạy để gìn giữ và lan tỏa được tình yêu đối với các loại nhạc cụ truyền thống.

Trăn trở của người cao niên

Ông Y Hơ Êban (buôn Kơ Nia 4, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) tâm sự: "Người mê nhạc cụ giờ ít lắm, thanh thiếu niên cũng vậy, lúc đó tôi tập trung lên danh sách từ trường tiểu học Nơ Trang Lơng để đi học, thổ kèn, đính tút, đinh năm, đàn gong. Tôi chỉ sợ nhắm mắt xuôi tay thì không ai biết đến nhạc cụ của đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê nữa".

Cô gái người Ê Đê được một cụ già dạy chơi nhạc cụ truyền thống. Ảnh: Bảo Trung 

Ông Y Hơ sinh ra và lớn lên tại huyện Buôn Đôn, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Từ khi 15 tuổi, già làng Y Hơ đã chế tác và sử dụng thành thạo các nhạc cụ dân tộc bằng tre nứa như đàn T’rưng, đinh năm, đinh tút… Đến nay, dù đã 76 tuổi, ông vẫn luôn say mê với âm nhạc và trăn trở tìm người kế thừa.

Còn theo nghệ nhân Y Nuynh Byă (61 tuổi, phường Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột): "Âm vang cồng chiêng Tây Nguyên hào hùng và những nhạc cụ truyền thống gắn liền với cuộc sống của tôi từ khi còn nhỏ. Tôi biết đánh chiêng từ năm 14 tuổi và luôn lo lắng về việc mai một bản sắc văn hoá. Nhiều năm nay, tôi vẫn miệt mài tham gia truyền dạy những bài chiêng truyền thống cho hàng trăm học viên.

Tôi vẫn phải duy trì chơi nhạc cụ đều đặn để không mất bản sắc văn hoá Tây Nguyên. Tôi vừa dạy vừa dặn dò con cháu  tại địa phương phải tiếp tục dạy lại cho thế hệ sau, tiếp tục học hỏi để lưu trữ bản sắc dân tộc".

Hay như nghệ nhân Y Blih Adrơng (buôn M’lớt, xã Ea Bông, huyện Krông Ana) đã gần 80 tuổi nhưng vẫn vẹn nguyên với đam mê với nhạc cụ truyền thống.

Từ năm 13 tuổi, ông đã yêu thích và chơi được nhiều nhạc cụ truyền thống như Chiêng, đinh năm, đàn gong… Ông đã vận động nhiều thanh thiếu niên trong buôn tham gia học và chế tác các nhạc cụ truyền thống và giảng dạy các lớp cồng chiêng

Nhiều người đã gắn bó gần như cả đời với các nhạc cụ truyền thống của người Ê Đê. Ảnh: Bảo Trung

Do ảnh hưởng của văn hoá tín ngưỡng và sự xâm nhập của văn hoá ngoại lai đã làm thay đổi môi trường văn hoá truyền thống khiến công tác bảo tồn văn hoá truyền thống gặp khó khăn.

Sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí mới, công nghệ cũng thu hút giới trẻ, khiến các loại hình văn hoá không còn hấp dẫn giới trẻ như trước. Trong khi đó, nhiều nghệ nhân đã lớn tuổi vẫn miệt mài giữ gìn những nét đẹp văn hoá như cồng chiêng, dệt thổ cẩm, các làn điệu dân ca… bằng nhiệt huyết của mình.

Cần có cơ chế bảo tồn phù hợp

Cùng với việc chế tác, truyền dạy nhạc cụ, nhiều người đồng bào Ê Đê còn cùng nhau thành lập các câu lạc bộ sinh hoạt văn hoá, văn nghệ. Đơn cử trong số đó là câu lạc bộ âm nhạc của buôn Kdun, xã Cư Ê bur, TP.Buôn Ma Thuột. Đều đặn hằng tuần, bà con lại cùng nhau về nhà cộng đồng cùng tập thổi đinh năm, đinh tút…

Bạn Y Thuyết Niê, sinh viên Đại học Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: "Trước đây, em chưa biết đến cồng chiêng Tây Nguyên, nhờ đến một lớp học lớp học đánh chiêng em mới được biết đến nhiều nhạc cụ của dân tộc mình. Được học với các nghệ nhân lớn tuổi và bạn bè cùng trang lứa em cảm thấy rất vui và bổ ích".

Chỉ còn một số ít người lớn tuổi đồng bào Ê Đê còn chơi được những nhạc cụ truyền thống. Ảnh: Bảo Trung

Ông Lại Đức Đại - Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk - cho hay, một bộ phận người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương vẫn phải cố gắng bảo tồn, gìn giữ văn hóa vốn có bằng niềm đam mê rất lớn nhưng nguồn lực vẫn còn hạn chế. Trong điều kiện chưa có đủ nguồn lực, hàng năm đơn vị cũng tham mưu UBND tỉnh, góp ý để có chính sách tốt hơn bảo tồn, giữ gìn nét đẹp văn hoá truyền thống.

Tỉnh Đắk Lắk là nơi có 49 dân tộc anh em cùng sinh sống. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp về bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc bản địa Đắk Lắk như tổ chức các lớp dạy đánh chiêng, phục dựng nghi lễ truyền thống, tổ chức nhiều sự kiện văn hoá.

Theo ông Đại: Tuy vậy, trong các buôn làng, những người biết đánh cồng chiêng, biết hát dân ca, tổ chức lễ hội còn rất ít, lại đang tuổi cao, sức yếu. Chính sách ưu đãi cho các nghệ nhân và kinh phí dành cho bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống còn hạn hẹp. Nếu không có giải pháp cụ thể, nguy cơ những giá trị văn hoá truyền thống chỉ còn trong ký ức của những người yêu văn hoá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn