MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lưu giữ nét xưa ở Sài Gòn

Ngọc Dủ LDO | 16/09/2023 15:13

Sáng ra đầu ngõ uống cafe, cậu bạn nhờ thiết kế giúp biển hiệu cho tiệm tóc sắp khai trương. Loay hoay một hồi đủ kiểu dáng, mẫu chữ, màu sắc, tôi nhận ra để làm theo phong cách “retro” như nó yêu cầu xem chừng khó.

Nhìn kỹ lại thì sản phẩm tôi làm ra có lẽ thiếu “phần hồn” - thứ mà ông nghệ sĩ Hoài Minh Phương vẫn luôn tự hào.

Tôi gặp ông Hoài Minh Phương vào 3 năm trước - lúc còn là sinh viên tập tành viết bài phóng sự đầu tiên. Ông được biết đến là người vẽ biển quảng cáo cuối cùng ở TP Hồ Chí Minh. Lúc ấy, nhiều tiệm in đã rộ lên dịch vụ thiết kế bảng hiệu quảng cáo theo phong cách xưa, tuy nhiên ông là người duy nhất còn vẽ bằng tay - cái nghề đi theo hơn 30 năm mà ông vẫn gọi đùa với tôi là “cuối mùa hoa nở”.

Trong cửa tiệm nhỏ nằm nép trong con hẻm Quận Bình Tân, người thợ khi đó đã yếu nhưng đôi tay vẫn còn thoăn thoắt, tỉ mỉ từng nét cọ. Ông kể với tôi về hành trình từ nhà thơ chuyển sang “nghiệp vẽ”, cách phối màu, bố cục của từng bảng hiệu, cả những kỷ niệm về tri kỷ mà ông khắc trong hai câu thơ treo trước tiệm “Anh phân nửa, phần em phân nửa/Hai nửa trời thương nhớ ngập hồn”.

Năm trước, tôi trở lại cửa tiệm cũ thì nghe tin ông mất. Gia đình cũng chuyển về quê sinh sống. Tôi bàng hoàng hồi lâu nhưng cũng nhận ra vốn chẳng ai thoát khỏi quy luật “sinh lão bệnh tử”. Ấy vậy mà “phần hồn” ông luôn tự hào vẫn còn đó - ngay ở những chiếc biển hiệu vẽ bằng tay nằm rải rác trên khắp mảnh đất TPHCM này.

Mới tháng trước, ông Dương Văn Ngộ - người viết thư tay thuê cuối cùng ở TPHCM - cũng vừa mất. Người ta không khỏi tiếc thương khi không còn thấy dáng người gầy, mái tóc bạc quen thuộc ở bưu điện thành phố nữa. Và bởi lẽ, ông là chứng nhân duy nhất cho hàng vạn cánh thư tay đi khắp thế giới trong hàng chục năm qua.

Theo thời gian, người ta dần quên đi những con người đang cần mẫn bám lấy những nghề xưa cũ này. Những tấm bảng hiệu quảng cáo vẽ tay, đôi giày hay quyển sách đóng thủ công, chiếc máy ảnh dạo, bức thư tay... không chỉ là cuộc sống mưu sinh mà còn phản ánh câu chuyện về cả một thế hệ, một thời để nhớ của nhiều người đã từng sống ở đây.

Và quả thật câu chuyện về những “quý ông Sài Gòn” - người giữ hồn cho những nét đẹp xưa Sài Gòn vẫn còn mãi trong lòng của nhiều thế hệ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn