MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân đón Giao thừa bên hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Đông

Lý giải thú đi chơi đêm Giao thừa của người Hà Nội

Minh Hạnh LDO | 10/02/2024 01:00

Hóa ra, thú đi chơi vào đêm Giao thừa (đêm 30 Tết) của người Hà Nội không phải bắt nguồn từ xa xưa mà nó hình thành trong một giai đoạn lịch sử, rồi trở thành phong tục.

Không biết tự bao giờ, đến đêm 30 Tết nhiều người Hà Nội rủ nhau đi chơi Giao thừa quanh Hồ Hoàn Kiếm đến đúng 12 giờ đêm - thời khắc chuyển từ năm cũ sang năm mới. Mọi người xem bắn pháo hoa xong mới về nhà xông đất lấy may, lâu dần trở thành phong tục.

Theo tục lệ xưa, trong thời khắc Giao thừa không ai ra đường. Sau Giao thừa, người cao tuổi sẽ đi lễ đền hay chùa gần nhà.

Người dân đón Giao thừa và xem bắn pháo hoa bên hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Đông

Bởi theo tục xưa, đêm 30 Tết, không ai đi chơi lang thang ngoài đường. Đêm Giao thừa, người có gia đình phải ở nhà quét dọn nhà cửa thật sạch để chuẩn bị đón Tết vì sang năm mới kiêng không được quét nhà, nhất là không đổ rác vì sợ "mất lộc". Rồi phải lau bàn thờ tổ tiên, chuẩn bị đèn nến để thắp hương mời ông bà tổ tiên về ăn Tết.

Nhưng truyền thống đã có thay đổi, theo một số người cho rằng tục đi chơi đêm Giao thừa của người Hà Nội bắt nguồn từ khi giải phóng Thủ đô (năm 1954), cách đây 70 năm. Lúc đó có hàng vạn cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Mỗi khi Tết đến họ càng nhớ quê hương da diết, muốn biết tin tức về những người thân trong đó. Hồi ấy, ở Bờ Hồ có một ngôi nhà rất to có tấm biển đề "Câu lạc bộ Thống nhất". Đó là nơi anh em tập kết đến tìm nhau và được nghe tin tức về quê hương mình.

Sau khi nghe Bác Hồ chúc Tết, rất nhiều người nhớ quê đã dạo quanh Bờ Hồ cho bớt nỗi nhớ. Nhiều người Hà Nội đồng cảm với nỗi xa quê của bà con miền Nam đã ra Hồ Gươm chơi cùng và từ đó thành nếp cứ Giao thừa là tập trung đi chơi ở Hồ Gươm.

Từ đó, cứ đêm Giao thừa người dân xa quê lại kéo nhau về Hồ Gươm, Hà Nội. Đến đấy, anh em, họ hàng, bạn bè, đồng hương trong tỉnh có thể dễ tìm thấy nhau, hàn huyên thâu đêm suốt sáng.

Suốt 21 năm Bắc - Nam chia cách, đêm Giao thừa nào khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm cũng đông vui như thế cho đến năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng, đa số cán bộ miền Nam đã trở về quê hương nhưng thói quen đi chơi đêm giao thừa vẫn được người Hà Nội tiếp tục duy trì cho đến bây giờ. Nó trở thành một nét văn hoá mới của người Thủ đô và sau đó lan ra nhiều tỉnh, thành phố. Đi chơi đến đúng lúc Giao thừa xem bắn pháo hoa rồi mới về nhà xông đất luôn để lấy may.

Gần ba chục năm qua, pháo hoa dường như đã thành thông lệ khi tới thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Từ năm 1994, khi Chỉ thị số 406-TTg của Chính phủ về cấm sản xuất, buôn bán và bắn pháo ban hành, việc đón và xem pháo hoa tại các điểm trung tâm văn hóa dường như đã trở thành thông lệ của người dân Hà Nội nói riêng và người dân cả nước nói chung.

Cuộc sống hiện tại, những xác pháo đỏ không còn đầy sân, thay vào đó là những điểm bắn pháo hoa tưng bừng ở các thành phố lớn trên cả nước. Những quả pháo hoa to, rực rỡ, nhiều màu sắc vẫn chắp cánh ý nghĩa đẹp đẽ của tiếng pháo xưa.

Nếp ấy kéo dài cho đến nay trở thành nét văn hóa đi chơi Giao thừa, xem pháo hoa của người Hà Nội...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn