MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân mong muốn di sản Đà Lạt phải được đối xử một cách thỏa đáng. Ảnh: Võ Trang

Mài giũa cho viên ngọc Đà Lạt thêm sáng

Phan Tuấn - Mai Hương LDO | 31/12/2023 08:30

Lâm Đồng - Liên quan đến công tác xây dựng thành phố Di sản thế giới, các nhà chuyên môn, người dân mong muốn di sản Đà Lạt phải được đối xử một cách thỏa đáng trong việc gìn giữ, bảo tồn kết hợp với phát huy, khai thác.

Nhận diện "nút thắt"

Ga Đà Lạt là nhà ga tàu hỏa được người Pháp xây dựng từ năm 1932 đến 1938 hoàn thành. Nhà ga có phong cách kiến trúc độc đáo, có ba mái hình chóp, là cách điệu ba đỉnh núi Langbiang cũng như gắn với mái nhà rông của người Tây Nguyên. Hiện nhà Ga Đà Lạt được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Tuyến đường sắt duy nhất hiện nay còn hoạt động chính là tuyến thành phố Đà Lạt - Trại Mát dài 7km đưa du khách, nhất là khách quốc tế đến với Trại Mát và chùa Linh Phước.

Ga Đà Lạt nhìn từ trên cao. Ảnh: Võ Trang

Theo ông Nguyễn Võ Minh Chánh - Trưởng ga Đà Lạt, ga Đà Lạt đã có tuổi đời gần 100 năm. Năm 1991, sau khi mở cửa du lịch, đến nay, hàng năm Ga Đà Lạt đã thu hút hơn 600.000 lượt du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan.

Việc mở cửa du lịch, bán vé cho du khách đã mang lại nguồn thu cho đơn vị, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 20 người. Ngoài ra, điểm du lịch này còn tạo công việc cho hàng chục họa sĩ, người bán đồ lưu niệm, hướng dẫn viên du lịch, tài xế taxi…

Ga Đà Lạt đã có tuổi đời gần 100 năm. Ảnh: Phan Tuấn

Về góc độ bảo tồn, thời tiết mưa nhiều như ở đây thì ga Đà Lạt phải được trùng tu để kéo dài tuổi thọ của di sản. Tuy nhiên, việc trùng tu đang gặp không ít khó khăn bởi đây là công trình văn hóa cấp quốc gia.

Đặc biệt, trong khuôn viên nhà ga Đà Lạt có 7.765m2 thuộc diện bất khả xâm phạm. Việc trùng tu phải có kiến trúc sư, nhà chức trách nghiên cứu, lên đề án và trình các cấp ngành từ sở đến cấp tỉnh và bộ, ngành trung ương phê duyệt.

Trước đây, cũng đã có đơn vị tổ chức khảo sát nhưng ga Đà Lạt vẫn chưa được trùng tu. Những năm qua, từ nguồn vốn sự nghiệp, đơn vị quản lý chỉ có thực hiện chống thấm, vôi ve lại nhà ga chứ nhiều hạng mục hoàn toàn không được tác động. Do đó, hiện nay, nhiều chỗ tường nhà đã bị nứt nẻ, nặng nề nhất là phần mái của tòa nhà đang bị thấm dột.

Nhiều chỗ tường Trường Cao đẳng Đà Lạt đã bị nứt nẻ, nặng nề nhất là phần mái của tòa nhà đang bị thấm dột. Ảnh: Phan Tuấn

Tương tự, Trường Cao đẳng Đà Lạt được khởi công xây dựng từ cuối năm 1927 và hoàn thành năm 1935. Năm 1932, trường bắt đầu hoạt động và đặt tên là Trường Grand Lycée. Đây là một trong những trường trung học công lập nổi tiếng khắp Đông Dương thời bấy giờ.

Công trình được Hiệp hội Kiến trúc sư Quốc tế (UIA) công nhận là một trong 1.000 công trình kiến trúc tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ XX và là công trình duy nhất của Việt Nam được công nhận.

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt được người Pháp thành lập vào năm 1927 do kiến trúc sư Moncet trực tiếp đứng ra thiết kế cũng như chỉ đạo xây dựng. Ảnh: Võ Trang

Thế nhưng, hiện nay, có mặt tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt chúng tôi nhận thấy nhiều hạng mục như tường, trần bê tông đã có dấu hiệu xuống cấp... nhưng chưa được trùng tu, sửa chữa triệt để.

Ở điểm thăm quan này cũng vắng dần du khách so với trước đây. Nguyên nhân là do nhà trường chưa thể mở cửa đón khách tất cả các thời điểm trong ngày. Theo đại diện Trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt, từ năm 2020, nhà trường chỉ mở cửa cho du khách thăm quan vào khung giờ 11h30 đến 13h và 17h30 đến 18h.

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt còn được công nhận là di tích kiến trúc quốc gia. Ảnh: Võ Trang

Hài hòa lợi ích kinh tế và bảo tồn

Việc tỉnh Lâm Đồng đang xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố Di sản khiến nhiều người dân hết sức phấn khởi. Theo anh Bạch Phong Vân, một họa sĩ đang hoạt động ở ga Đà Lạt cho biết, năm 22 tuổi đã gắn bó với việc mưu sinh phục vụ du khách vẽ tranh chân dung, còn vợ thì bán nước, bán hàng lưu niệm… Những công việc này đã nuôi sống gia đình anh Vân hơn chục năm nay.

Anh Bạch Phong Vân, một họa sĩ đang hoạt động ở ga Đà Lạt. Ảnh: Phan Tuấn

"Khi biết tin Đà Lạt đang xây dựng trở thành thành phố di sản, bản thân tôi và gia đình rất phấn khởi bởi như vậy thành phố sẽ được tôn tạo và phát triển thêm nhiều giá trị. Khi đó, Đà Lạt sẽ thu hút được thêm nhiều khách du lịch và người dân chúng tôi sẽ có thêm sinh kế để có nguồn thu nhập ổn định”, anh Vân nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, để giữ gìn Đà Lạt cho muôn đời sau thì cần phải tiếp tục công tác tuyên truyền cho mọi người dân và du khách về đô thị di sản. Trong đó, quảng bá nội dung và mục tiêu đến bạn bè quốc tế về đô thị di sản thế giới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S. Ảnh: Nguyễn Nghĩa

Tuy nhiên, quá trình phải thực hiện nghiêm nguyên tắc “bảo tồn để phát triền, phát triển để bảo tồn". Đặc biệt, phải đầu tư tổng nguồn lực xã hội tương xứng với đô thị di sản thế giới.

Ngoài ra, tỉnh cũng cần thu hút các dự án quốc tế nâng tầm quy mô thương hiệu xác định tính riêng, độc đáo đô thị di sản thế giới Đà Lạt đề phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa.

Việc xây dựng thành phố di sản sẽ đạt được “mục tiêu kép” là vừa bảo vệ được di sản nhưng vừa đạt được mục tiêu kinh tế.

Theo ông Trần Mến - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng (Chủ đầu tư Thung lũng Tình yêu ở thành phố Đà Lạt), trong quá trình khai thác di sản cần bảo đảm sự cân bằng mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa. Kinh tế và văn hóa là hai yếu tố tương tác, phụ thuộc, bổ sung cho nhau.

Hoàn toàn có thể khai thác khía cạnh kinh tế của di sản văn hóa để tạo động lực cho phát triển. Di sản văn hóa cần được nhìn nhận như một bộ phận hữu cơ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cũng không thể vì mục tiêu kinh tế, lợi nhuận mà không đếm xỉa đến các mục tiêu văn hóa, giữ gìn các giá trị văn hóa. Không thể “hy sinh” di sản, “hy sinh” văn hóa vì mục tiêu kinh tế.

Trong những năm trở lại đây, trung tâm Đà Lạt có ít mảng xanh công cộng. Thay vào đó, những khối bê tông, nhà kính được xây dựng san sát. Ảnh: Hữu Long

Cũng theo ông Mến, chúng ta cần bảo đảm sự cân đối hài hòa giữa hai quá trình bảo tồn và phát huy. Những ví dụ thất bại về giải quyết mối quan hệ này trong đại đa số trường hợp đều là do quá coi trọng vế khai thác, lạm dụng quá mức di sản mà không quan tâm đến công tác bảo vệ, bảo tồn.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã rất chú trọng đến việc tính toán khả năng, sức chứa của di sản để khai thác đúng mức, điều tiết lượng du khách đến thăm.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng không nên quá thận trọng, chỉ chăm lo bảo tồn, giữ gìn mà không biết khai thác, phát huy giá trị di sản. Như vậy, vô hình chung lại rơi vào cực trì trệ, thụ động, để lãng phí một nguồn tài nguyên nhân văn có thể phục vụ tốt cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn