MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mãn nhãn với triển lãm hình tượng rồng

Lục Tùng LDO | 12/02/2024 20:23

Người xem sẽ mãn nhãn khi thưởng thức cả thế giới hình tượng rồng trên vật trang trí tại triển lãm ở Bảo tàng tỉnh An Giang.

Nhân Tết Giáp Thìn, Bảo tàng tỉnh An Giang và Hội Cổ vật tỉnh An Giang phối hợp thực hiện trưng bày chuyên đề "Hình tượng rồng trong nghệ thuật trang trí truyền thống Việt Nam".

Trưng bày giới thiệu đến mọi người hơn 190 hiện vật quý gắn liền với linh vật rồng (long) trong văn hóa Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay. Tại đây, người xem sẽ mãn nhãn khi được thưởng thức cả thế giới hình tượng rồng trên vật trang trí. Không chỉ được bàn tay tài hoa của nhiều thế hệ nghệ nhân tạo tác thủ công với phong cách tự do nên tác phẩm như được truyền thần, sống động…, những hiện vật nơi đây còn mê hoặc người xem bởi sự phong phú, đa dạng của nền chất liệu, như: gốm, gỗ, sơn mài…

Đặc biệt là với sự đa dạng của trường phái chế tác của các dòng gốm, như: Cây Mai, Sài Gòn, Lái Thiêu, Biên Hòa, Đà Lạt, Châu Ổ… mỗi trường phái, mỗi phong cách thể hiện bút pháp, màu sắc và kỹ thuật nhào nặn chắc chắn sẽ mang đến cho người xem nhiều cảm xúc thăng hoa.

Vì thế đến đây thưởng lãm, mọi người không chỉ tiếp cận với linh vật biểu trưng cho may mắn và thịnh vượng, mà còn thắp lên ngọn đuốc tự hào về sức sáng tạo của cha ông. Hơn thế nữa, còn khơi gợi, nuôi dưỡng và thôi thúc lòng tự hào về cội nguồn dân tộc gắn với truyền thuyết "Con Rồng, cháu Tiên". Triển lãm sẽ diễn ra đến hết ngày 24.2.2024.

Bảo tàng An Giang - nơi diễn ra trưng bày chuyên đề “Hình tượng rồng trong nghệ thuật trang trí truyền thống Việt Nam“. Ảnh: Lục Tùng
Không gian trưng bày chuyên đề “Hình tượng rồng trong nghệ thuật trang trí truyền thống Việt Nam". Ảnh: Lục Tùng
Tại triển lãm, người xem sẽ thích thú khi có dịp tận mắt nhìn hình tượng rồng trên bình rượu gốm Cây Mai, dòng gốm lâu đời của gốm Nam bộ xưa. Trong ảnh là tác phẩm của nhà sưu tập Võ Hà Tuấn (TP HCM). Ảnh: Lục Tùng
Hình tượng rồng được đắp nổi trên chóe gốm Lái Thiêu của nhà sưu Đào Duy Thắng (TP HCM). Ảnh: Lục Tùng
Cuốn thư hình tượng song long thuộc dòng gốm Châu Ổ của nhà sưu tập Lê Lam Điền (An Giang). Ảnh: Lục Tùng
Bộ ấm chén hình tượng rồng thuộc gốm Vĩnh Tường - Đà Lạt của nhà sưu tập Nguyễn Minh Khang (An Giang). Ảnh: Lục Tùng
Bên cạnh đó, còn có dòng gốm của thương hiệu cá nhân. Trong hình là bình ngũ long, dòng gốm Thành Lễ của nhà sưu tập Hồ Mỹ Liên (TPHCM). Ảnh: Lục Tùng
Tại trưng bày, hình tượng rồng rất đa dạng về cách thể hiện, khi được xây dựng chung trong hệ sinh thái của đời sống gốm. Ảnh: Lục Tùng
Nhưng cũng có lúc là tác phẩm độc lập, đầy cá tính. Trong ảnh là rồng ngũ sắc thuộc dòng gốm Lái Thiêu của nhà sưu tập Lê Quốc Nam (TPHCM). Ảnh: Lục Tùng
Không chỉ được thể hiện đẹp trên gốm, hình tượng rồng còn đẹp trên các chất liệu khác. Trong ảnh là khai gỗ rồng của nhà sưu tập Trần Hữu Huệ (An Giang). Ảnh: Lục Tùng
Hình tượng rồng trên chất liệu sơn mài của Bảo tàng An Giang. Ảnh: Lục Tùng
Đặc biệt là hình tượng rồng được thể hiện trên rất nhiều đồ gia dụng. Từ chiếc đĩa gốm Lái Thiêu của nhà sưu tập Nguyễn Kim Quyên (An Giang). Ảnh: Lục Tùng
Thố rồng gốm Bình Dương của nhà sưu tập Nguyễn Kim Quyên (An Giang). Ảnh: Lục Tùng
Đôn rồng gốm Bình Dương của nhà sưu tập Nguyễn Kim Quyên (An Giang). Ảnh: Lục Tùng
Bát hương hình tượng song long bằng gốm của nhà sưu tập Nguyễn Kim Quyên (An Giang). Ảnh: Lục Tùng

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn