MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ca nương Kiều Anh trình diễn chầu văn Cô đôi Thượng Ngàn mở màn khai mạc Liên hoan phim quốc tế Hà Nội năm 2016. Ảnh: Ban tổ chức

Mâu thuẫn của Cục Di sản văn hóa giữa những tranh cãi và thực tế quản lý di sản

Hào Hoa LDO | 23/08/2023 09:56

Câu chuyện liên quan đến việc tổ chức biểu diễn hầu đồng và trình diễn trang phục hầu đồng ở khuôn khổ hội thảo khoa học tại Thừa Thiên - Huế đã thổi bùng lên những tranh cãi quanh quản lý di sản hiện nay.

Theo đó, Cục Di sản văn hóa “nhắc nhở” Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, vì đơn vị này đã đưa các thành tố di sản tín ngưỡng (trang phục) và chủ thể thực hành di sản (thanh đồng, nghệ nhân) lên sân khấu của hội thảo.

Tuy nhiên, trao đổi với Lao Động, giới chuyên gia nghiên cứu, và phía Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản Văn hóa Thừa Thiên - Huế nói, hiện không có bất cứ văn bản nào hướng dẫn, quy định cụ thể, rõ ràng về việc “diễn giải di sản”, “trình diễn di sản” ở các hội thảo khoa học dạng này.

Trong cuộc điện thoại đến Báo Lao Động, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa nói, họ không cổ vũ việc “diễn giải, trình diễn di sản” nên không có văn bản quy định.

Nhiều giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành di sản cho rằng, thực tế đang có sự phát triển thay đổi chóng mặt, kéo theo đó là những biến đổi trong đời sống giữ gìn, bảo tồn và quảng bá di sản. Thêm nữa, nhu cầu quảng bá di sản, giới thiệu di sản, hay “diễn giải di sản” trong khuôn khổ các cuộc hội thảo quốc tế là có thật và ngày càng phát triển.

Theo giới chuyên gia và các nhà khoa học, Cục Di sản văn hóa cần có những văn bản kịp thời, theo sát thực tế đời sống để có sự quản lý phù hợp. Ngay cả với các “lệnh cấm” nếu có, cũng cần phải ra văn bản quy định chi tiết, rõ ràng.

Nhìn từ thực tế

Tháng 2 năm 2016, cách đây 7 năm, vở diễn “Tứ Phủ” của Việt Tú từng thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng khi lần đầu tiên, một đạo diễn đưa nghi lễ hầu đồng lên sân khấu của rạp Công Nhân biểu diễn với 3 giá đồng là: Chầu Đệ Nhị - Ông Hoàng Mười - Cô Bé Thượng Ngàn.

Trong quá trình đưa “Tứ Phủ” với 3 giá hầu lên sân khấu, điều khiến đạo diễn Việt Tú cảm thấy khó nhất, chính là câu chuyện xoay quanh không gian thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt phải diễn ra ở cung đền, sở điện (đền, phủ, điện)... và anh đã phải “tham mưu” ý kiến của rất nhiều thanh đồng, các nhà nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu để tìm cách thể hiện nghi lễ hầu đồng trên sân khấu.

Vở “Tứ phủ” được trình diễn khi hồ sơ di sản của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt đang trong quá trình UNESCO xét duyệt.

Đêm khai mạc Liên hoan phim quốc tế Hà Nội năm 2016 có sự tham gia của nhiều đoàn phim thế giới, ca nương Kiều Anh đã mở màn với màn hát chầu văn Cô đôi Thượng Ngàn (chầu văn hay hát văn, hát hầu đồng là một trong những thành tố của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt).

Được tách khỏi di sản, hát văn Cô đôi Thượng Ngàn được nhiều nghệ sĩ Việt yêu thích. Ca sĩ Tân Nhàn, Xuân Hinh, Hương Ly... trình diễn nhiều lần trên các sân khấu lớn nhỏ. Tân Nhàn còn từng “liều lĩnh” trình diễn Cô đôi Thượng Ngàn cùng dàn nhạc giao hưởng. Hoa hậu Tiểu Vy chọn múa Cô đôi Thượng Ngàn ở cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2018. Mới đây, ca sĩ Hoàng Thùy Linh cũng ra mắt MV Tứ Phủ lấy cảm hứng từ di sản.

Trước cuộc hội thảo khoa học tại Thừa Thiên - Huế, trong nhiều diễn đàn, hội nghị, hội thảo cũng cho trình diễn hầu đồng và “diễn giải di sản”, trong đó nhiều cuộc có sự tham gia của các nghệ nhân, thanh đồng.

Theo các chuyên gia trong ngành, kể từ khi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt được UNESCO ghi vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại, nhu cầu đời sống và sự phát triển, kiến tạo của di sản đã lan rộng ra nhiều tỉnh thành, trong nhiều dân tộc.

Hầu đồng với muôn vàn những biến tướng, trục lợi cũng là hiện trạng nhức nhối.

“Luật đứng im”

GS.TS Bùi Quang Thanh - Ủy viên Hội đồng khoa học Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - và nhiều nhà khoa học cho rằng, các nhà quản lý văn hóa cấp nhà nước không thể quản lý di sản bằng những bộ luật “đứng im” khi di sản đang tồn tại giữa đời sống, thời thế đầy biến động, thay đổi và ngoài việc bảo tồn, di sản cũng cần được quảng bá.

Các thành tố của di sản (như hát chầu văn) khi tách ra khỏi không gian di sản sẽ không còn là di sản, chỉ là những tiết mục nghệ thuật. Những tiết mục nghệ thuật này không mang đầy đủ ý nghĩa về di sản, nhưng có thể góp phần quảng bá cho vẻ đẹp của di sản, để từ đó, lan tỏa vẻ đẹp di sản với số đông công chúng. Ai yêu mến di sản sẽ tìm đến “không gian thiêng” để nghiên cứu, thụ hưởng.

Theo đó, cần thêm những cuộc hội thảo, công trình nghiên cứu, thêm những văn bản cụ thể về các vấn đề nảy sinh từ nhu cầu đời sống và biến động thực tiễn xoay quanh di sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn