MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phu mỏ sống cực khổ dưới thời Pháp thuộc. Ảnh: Tư liệu từ bảo tàng Quảng Ninh

Máu và than 100 năm trong câu chuyện kể của tác giả 84 tuổi

Bình An LDO | 21/11/2023 11:00

Tiểu thuyết “Bể than Đông Bắc” gây ấn tượng mạnh trong khối lượng gần 500 tác phẩm gửi về tham gia cuộc thi viết văn về công nhân, công đoàn giai đoạn 2021-2023.

“Bể than Đông Bắc” có bối cảnh kéo dài hơn 100 năm, kể từ thập niên 1920 thế kỷ trước, khi vùng than còn nằm dưới ách cai trị của chủ mỏ người Pháp. Bể than vùng Đông Bắc kéo dài hàng trăm cây số, từ Đông Triều đến cù lao Cái Bầu, trải qua hơn 100 năm với những biến động lớn lao của thời cuộc đã chứng kiến số phận của người thợ mỏ trầm mình trong than và máu.

Là tiểu thuyết văn học nhưng tác phẩm “Bể than Đông Bắc” chứa đựng khối lượng tài liệu lịch sử đồ sộ, hiếm có. Suốt hơn 400 trang, những câu chuyện có thật đan xen trong những câu chuyện văn học, tạo không khí sinh động.

Tiểu thuyết được kể theo trình tự thời gian 100 năm với những biến động lịch sử lớn lao, từ khi chủ mỏ là thực dân Pháp, đến kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, và thế hệ công nhân vùng than đứng lên trong gian khó xây dựng lại vùng mỏ sau hòa bình, ở giai đoạn nào, cũng thấm đẫm những câu chuyện về số phận con người, là vùng than nhuộm máu và mồ hôi quật khởi.

Tác phẩm với thông điệp xuyên suốt: Than đốt cháy tất cả, nấu thép thành nước, nhưng không nấu được trái tim thợ mỏ”. Thế hệ những người thợ mỏ nối tiếp nhau, sẵn sàng tranh đấu, hy sinh, đổ máu để vùng than hồi sinh, vững chãi trường tồn.

Chia sẻ với phóng viên Lao Động, tác giả Đặng Huỳnh Thái cho biết, ông đã dành nhiều năm nghiên cứu, thu thập tài liệu, cộng với vốn sống 35 năm ở Cẩm Phả, Quảng Ninh để viết nên “Bể than Đông Bắc”.

Những câu chuyện ở “Bể than Đông Bắc” chỉ có thể rung cảm, chạm đến tâm can độc giả, khi người viết đau đớn, nặng lòng với từng chữ viết ra.

Ở tuổi 84, tác giả Đặng Huỳnh Thái vẫn nhớ như ngày hôm qua những ký ức khi ông còn ở Cẩm Phả. Thời ấy, tuổi còn trẻ, là kỹ sư vùng mỏ nhưng tác giả Đặng Huỳnh Thái năng nổ tham gia viết, ông tích lũy cho mình từng vốn sống, từng câu chuyện mắt thấy tai nghe, cóp nhặt từng câu chuyện đau đớn, từng niềm vui ở vùng mỏ.

Tác giả Đặng Huỳnh Thái (giữa) trong cuộc họp báo trước thềm lễ trao giải của cuộc thi viết văn về công nhân công đoàn giai đoạn 2021-2023. Ảnh: Hải Nguyễn

"Tôi nhớ mãi câu chuyện về những linh hồn lạc lối. Đó là năm 1944, lò ngập khiến 100 người chết. Khi ấy, kỹ thuật chưa cao, nước mưa tràn xuống lò khai thác dưới độ sâu hàng trăm mét, khiến thợ lò chết thảm. Chủ mỏ ngay sau đó đã đóng cửa lò này. Những linh hồn của 100 thợ mỏ như bị mắc kẹt lại...

100 người thợ chết ấy, để lại 100 gia đình mất chồng, mất cha. Có giai thoại ở vùng mỏ, những linh hồn ấy cứ tìm về trong đêm, ai oán.

Đến năm 1965, Liên Xô sang khai thác lại những hầm bị sập. Một công nhân đi làm về lúc 4h sáng, ngồi ngoài hiên nhà, đã cảm giác được những linh hồn của thợ mỏ chết oan ức vẫn ai oán đâu đây. Hôm sau đó, ông ấy đã quyết định lấy bùn ở hầm ngập năm xưa, chia thành 100 tiểu sành, mang đi mai táng và chôn cất” – tác giả Đặng Huỳnh Thái kể lại câu chuyện khiến ông nặng lòng và ám ảnh.

Số phận người thợ mỏ qua từng thời kỳ, từng biến động lịch sử luôn gánh trên vai những vất vả, gian khổ, và cả những bi kịch. Tai nạn có thể xảy đến bất kỳ lúc nào, với muôn hình vạn trạng.

Tác giả “Bể than Đông Bắc” nhắc lại ký ức, một thợ mỏ đang làm việc, bị đá rơi đè lên chân, người cộng sự đứng bên chỉ còn cách duy nhất là chặt chân của người thợ mỏ để cứu tất cả, nếu không đất đá có thể theo đó đổ xuống, gây sập hầm.

Cộng thêm vào đó, còn là cuộc sống nghèo, thiếu thốn đeo bám thợ mỏ trong hành trình dài của thời cuộc, lịch sử.

“Sau hòa bình, thợ mỏ ở trong những gian nhà diện tích 18m2, chật chội. Gia đình đông thành viên, đi làm 3 ca về nhà, muốn... ngủ với vợ cũng không được. Đã có thời thợ mỏ sống như vậy đấy” – tác giả Đặng Huỳnh Thái kể.

Nhìn lại ký ức của 35 năm sống và làm việc ở Cẩm Phả, để thấy, tác giả Đặng Huỳnh Thái đã viết “Bể than Đông Bắc” bằng vốn sống, bằng sự yêu thương gắn bó với vùng đất này, bằng cả nỗi thấu cảm với số phận công nhân vùng mỏ qua những biến thiên thăng trầm hàng trăm năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn