MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh quay phim truyện “Người trở về”. Nguồn: ĐAQĐ

Mở thêm cửa cho phim đặt hàng

Việt Văn LDO | 06/10/2020 06:39

Một trong những vấn đề thiết yếu trong việc phát triển Điện ảnh Việt Nam là cần có những kịch bản hay, tiền đề để sản xuất những phim chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu về nghệ thuật - nội dung - thị trường. Mới đây, Cục điện ảnh - Bộ VHTTDL đã tổ chức cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh 2020” với sự đổi mới trong tư duy.

Cuộc thi có chủ đề rộng và mở, ngoài các nội dung truyền thống lâu nay mà phim Nhà nước đặt hàng vẫn chú trọng như đề tài về lịch sử, chiến tranh cách mạng, văn hóa dân tộc và thiếu nhi, thì những vấn đề của cuộc sống đương đại, văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại mới cũng được chú trọng và chào đón các kịch bản gửi đến tham dự cuộc thi. Mục đích là tạo nguồn kịch bản cho kế hoạch sản xuất phim truyện phục vụ nhiệm vụ chính trị và kỷ niệm các ngày lễ lớn trong giai đoạn 2021 - 2025, với mong muốn góp phần tạo ra nguồn kịch bản phim truyện điện ảnh cho các phim Nhà nước đặt hàng và cho các đơn vị, các dự án sản xuất phim truyện có thêm sự lựa chọn.

Đề tài truyền thống vẫn cần mở rộng

Trước giờ, phim Nhà nước đặt hàng thường thiên về lịch sử, chiến tranh cách mạng chống Pháp - Mỹ, phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh… nhưng vẫn còn quá mỏng, quá thiếu. Lịch sử của Việt Nam trải qua các thời kỳ Hùng Vương, rồi Đinh - Lý - Trần - Lê - Nguyễn với rất nhiều sự kiện “chính sử” dựng nước giữ nước, những biến thiên giữa các triều đại, các cuộc chiến tranh chống quân xâm lược, hay những nhân vật lịch sử từ văn - võ có ảnh hưởng đến hưng thịnh tồn vong quốc gia… mảng đề tài lớn này quá thưa thớt, số phim sản xuất quá ít ỏi và gần như bị lãng quên.

Phim truyện điện ảnh về lịch sử chiến tranh cách mạng cũng không nhiều hơn, tính từ năm 2000 đến nay thì đếm trên đầu ngón tay, chưa kể riêng sự kiện Cách mạng Tháng Tám - Quốc khánh 2.9 thì cho đến nay phim “Sao Tháng Tám” vẫn giữ ngôi vị “độc nhất”, chiến dịch “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu” 7.5.1954 cũng chỉ có phim “Ký ức Điện Biên”, sự kiện 30.4.1975 Giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước cũng mờ nhạt qua vài phim chưa thành dấu ấn tiêu biểu. Ngoài ra chưa kể đến những đề tài về các chiến dịch lớn của ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ như cuộc chiến dịch Biên giới thu đông 1950, hay các chiến dịch Mậu Thân, Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào… Rồi mảng phim lãnh tụ cách mạng, từ các lãnh tụ Đảng Cộng sản Việt Nam thời những năm tiền khởi nghĩa từ 1930 - 1945, các lãnh tụ “khai quốc” và lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ từ năm 1945 đến năm 1975 gần như một “đề tài trắng”, ngoại trừ đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh có một số phim.

Vì thế, mảng đề tài truyền thống nói chung vẫn rất cần Nhà nước đặt hàng với những ưu đãi trong sản xuất, trong phát hành, đấu thầu… nhưng cũng đòi hỏi phải có chất lượng cao, không chỉ làm phim để chiếu lễ lạt, kỷ niệm miễn phí, mà có cần cả những chế tài thưởng, phạt. Phim phải đạt được song song yêu cầu cả tuyên truyền giáo dục lịch sử và tham gia thị trường mang lợi nhuận đến nhà sản xuất và cơ quan đặt hàng.

Mở rộng biên độ đề tài đương đại hướng tới giới trẻ

Không thể phủ nhận hiện tại phim điện ảnh Việt gần như khán giả trẻ chiếm ưu thế tuyệt đối, không khó để chứng minh khi những phim mang tính đương đại giành cho giới trẻ lại luôn nằm trong Top phim ăn khách. Và cũng đã có những phim theo mô hình Nhà nước đặt hàng cùng cộng tác với tư nhân sản xuất đã “thắng to” như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” hay gần nhất là “Mắt biếc”. Giới trẻ là khán giả “ruột” của phim điện ảnh Việt, vậy thì tại sao không mở rộng biên độ đề tài đương đại, những vần đề nóng trong giới trẻ và xã hội hiện tại?

Tại sao cứ phải khuôn phép trong chừng mực lấy thước đo chuẩn đạo đức văn hóa truyền thống để rồi đề tài đương đại gần như trống vắng trong phim Việt hiện tại, nhất là các đề tài về phòng chống ma túy, thế giới ngầm, tội phạm hay tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ, giới LGBT, những giao thoa văn hóa trong giới trẻ, những dị biệt trong các mối quan hệ xã hội… chưa kể những đề tài có tính chính luận - chính trường khi thực tế có hàng chục đại án đã có nguyên mẫu.

Thời công nghệ 4.0, 5.0, các nền tảng kỹ thuật số trong công nghệ giải trí đang phát triển, nhưng mảng đề tài khoa học viễn tưởng, đề cập đến tương lai khi đối mặt với các vấn đề hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu, các bệnh dịch mang tính toàn cầu, sự hủy diệt môi trường… mà với điện ảnh quốc tế không còn xa lạ, thì điện ảnh Việt gần như chưa đề cập đến, dù đã manh nha vài dự án…

Làm sao thay đổi tư duy phim Nhà nước đặt hàng chỉ là phim có tính “kỷ niệm” hay lễ lạt, với những đề tài xơ cứng, xưa cũ, không hấp dẫn, nhiều khi nặng về minh họa lịch sử hơn là soi chiếu dưới những góc nhìn khác? Thiết nghĩ cần mở rộng tầm nhìn xa, mở rộng đề tài và có sự điều chỉnh từng đề tài cho từng đối tượng cần hướng tới để đầu tư. Cũng như hãy bỏ những đặc quyền đặc lợi phim Nhà nước đặt hàng ưu tiên cho Hãng phim Nhà nước, mà hãy “chơi” thật công bằng, chọn - đấu thầu mở rộng đến các hãng phim tư nhân, để phim có thể thành công cả nghệ thuật lẫn thị trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn