MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh của nhân vật trong một số phim Hàn Quốc được tái hiện bằng deepfake. Ảnh: Nhà sản xuất

Mối lo ngại đằng sau những diễn viên deepfake trên phim Hàn

An Nhiên LDO | 26/02/2024 06:07

Gần đây, nhiều nhà sản xuất tại Hàn Quốc gây chú ý về việc sử dụng deepfake (công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo - AI - lấy hình ảnh, giọng nói của một người ghép vào video của người khác) để tăng tính hoàn thiện cho bộ phim.

Công nghệ deepfake và CGI phủ sóng

Ra mắt hồi đầu tháng 2, “Nghịch lý kẻ sát nhân” (A Killer Paradox) với sự tham gia của Son Seok Gu (vai Jang Nam Gam) và Choi Woo Sik (vai Lee Tang) gây bất ngờ với khán giả khi sao nhí đóng vai Jang Nam Gam thời trẻ có sự đồng bộ hoàn hảo về ngoại hình với Son Seok Gu.

Ban đầu, nhiều người cho rằng đó là nhờ khả năng casting (thử vai) của đạo diễn nhưng sau đó họ hoàn toàn ngỡ ngàng khi phát hiện ra đội ngũ sản xuất đã sử dụng công nghệ deepfake để diễn viên nhí trông giống Son Seok Gu.

Nói về điều này cùng Xports News, đạo diễn Lee Chang Hee tiết lộ: “Hình ảnh của các diễn viên nhí đều được thực hiện bằng CGI (công nghệ mô phỏng hình ảnh).

Chúng tôi chọn một diễn viên nhí ở độ tuổi đó để diễn, sau đó thu thập dữ liệu ảnh quá khứ từ Son Seok Gu ảnh để xử lí khuôn mặt. Không có đứa trẻ nào có khuôn mặt như vậy cả”.

Theo đạo diễn, đội quảng cáo của đoàn phim, thậm chí còn sử dụng người mẫu hình ảnh vì Son Seok Gu không có nhiều ảnh thời thơ ấu.

Ngoài ra, công nghệ deepfake cũng được sử dụng trong chương trình “Meet You 4” của đài MBC phát sóng vào ngày 11.2.

Đây là bộ phim tài liệu VR (thực tế ảo) cho phép những người từng trải qua cuộc chia li đau lòng tái hiện lại khung cảnh đó bằng công nghệ CGI và gặp lại những người thân yêu của mình.

Công nghệ deepfake cũng được sử dụng mang mục đích nhân văn. Ảnh: Nhà sản xuất

Hay với phim “Chào mừng đến Samdalri” của JTBC, khán giả không khỏi bồi hồi khi được thấy hình ảnh cố ca sĩ Song Hae xuất hiện trong phân cảnh Cuộc thi Hát quốc gia năm 1994 bằng công nghệ deepfake.

Theo đội ngũ sản xuất phim, họ tin rằng đây là cơ hội để những người yêu mến cố nghệ sĩ có thể gặp lại ông. Đó là lí do ê-kíp đã tập hợp tất cả các video để AI học hỏi và sau một quá trình dài, ê-kíp đã có thể cho người xem thấy hình ảnh cố ca sĩ Song Hae trên màn ảnh.

Trước đó, ê-kíp đã nói chuyện với gia đình cố ca sĩ trong gần 1 năm để giải thích lí do họ lên kế hoạch cho cảnh quay và việc sử dụng deepfake, đồng thời gửi video thử nghiệm cho gia đình trước khi phát sóng.

Vẫn còn những mối lo ngại

Xports News nhận định, dù công nghệ deepfake, CGI được sử dụng để tăng tính hoàn thiện cho tác phẩm, song cũng còn nhiều nỗi lo ngại khi công nghệ này không phải lúc nào cũng được sử dụng cho mục đích tốt.

“Trên thực tế, nhiều người nổi tiếng đã phải chịu thiệt hại do tội phạm deepfake và vẫn chưa có giải pháp triệt để cho việc đó. Trong khi các ngôi sao có thể sử dụng mô hình AI để thu được nhiều lợi nhuận hơn, thì những diễn viên kém tiếng hơn sẽ mất việc” - báo Hàn viết.

Như trong cuộc phỏng vấn, mẹ của nam diễn viên nhí Kang Ji Seok, người đóng vai Jang Nam Gam lúc nhỏ trong “Nghịch lý kẻ sát nhân”, thú nhận, ngay từ đầu bà đã biết việc phim sử dụng công nghệ deepfake ngay từ đầu: “Tôi biết sự đồng bộ rất quan trọng, nhưng có cần thiết phải lồng ghép lên mặt con trai tôi không? Con trai tôi thậm chí còn nói: Con không nghĩ đó là mình”.

Dù tăng tính hoàn thiện cho phim, song còn nhiều mối lo ngại xoay quanh công nghệ này. Ảnh: Nhà sản xuất

Bên cạnh deepfake, gần đây AI cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành công nghiệp âm nhạc do sự lan rộng của việc AI cover bài hát. Truyền thông đặt ra vấn đề bản quyền khi ngày nào có nhiều nội dung âm nhạc AI được sản xuất.

“Mọi sự chú ý tập trung vào những hậu quả mà deepfake và AI có thể mang đến trong tương lai và liệu chúng ta có được tìm ra giải pháp hay không là điều đáng lưu tâm nhất” - báo Hàn nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn