MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân tìm mua sách tại hội sách trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba. Ảnh: Thùy Trang

Mỗi người tạo thói quen đọc sách là góp phần chấn hưng văn hóa

Huyền Chi LDO | 24/04/2024 08:09

Một người đọc sách mỗi ngày lâu dần sẽ hình thành thói quen, đam mê đọc sách, hình thành văn hóa đọc.

Để văn hóa đọc trở thành sức mạnh nội sinh

Những ngày qua, các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba diễn ra sôi nổi khắp cả nước.

Hiểu rõ tầm quan trọng của văn hóa đọc đối với đời sống xã hội, Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam hướng tới mục tiêu quan trọng là khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Muốn xây dựng xã hội học tập, cần phải chú trọng khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi, hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức.

Bên cạnh đó, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam không chỉ tôn vinh người đọc, người sáng tác, người làm trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành mà còn hướng tới nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc của người Việt.

Chia sẻ với phóng viên Lao Động, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - nhấn mạnh: “Nói đến sách, phải nói đến giá trị mà sách mang lại. Ngày nay, ngành xuất bản cần thay đổi, không chỉ đem sách đến với bạn đọc mà còn phải đáp ứng đúng như cầu của bạn đọc. Xuất bản Việt Nam đã phát triển rất nhanh, song thực trạng vi phạm bản quyền vẫn là vấn đề nhức nhối. Chúng tôi mong muốn, trước tiên là sự thay đổi nhận thức từ độc giả. Độc giả tìm đến những cuốn sách hay, sách thật cũng là hỗ trợ cho sự phát triển của sách và văn hóa đọc”.

Những năm qua, Việt Nam nằm trong Top đầu các quốc gia Đông Nam Á về số lượng xuất bản phẩm. Mỗi năm, nước ta tiêu thụ khoảng 500-600 triệu bản sách. Trong 5 năm, số lượng nhà xuất bản chuyển đổi số, phát hành sách điện tử đã tăng từ 2 lên 27 đơn vị.

Trong bài phát biểu khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam ngày 17.4, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, chấn hưng văn hóa đọc cũng là chấn hưng cái gốc của một dân tộc, thúc đẩy văn hóa đọc chính là tạo ra sức mạnh nội sinh, nguồn lực và động lực phát triển đất nước. Mỗi người tạo thói quen đọc sách sẽ góp phần chấn hưng văn hóa của cả quốc gia.

Lan tỏa thông điệp về sách

Văn hóa đọc hiểu đơn giản là thái độ ứng xử của mỗi người đối với sách. Đó là tình yêu sách, giữ gìn sách, có thói quen và kỹ năng đọc sách, đọc lành mạnh, hăng say tìm kiếm tri thức, trân trọng tri thức, phát triển bản thân.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn mọi tầng lớp trong xã hội đều cần đọc sách: “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc”.

Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024, hàng trăm người dân đã đến thăm hội sách ở Hồ Văn (Văn Miếu - Quốc Tử Giám) để chọn cho mình những đầu sách bổ ích. Trong đó, rất nhiều cặp vợ chồng trẻ đã bắt đầu có rèn thói quen đọc sách cho con cái từ nhỏ.

Chị Mỹ Hạnh (48 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi tạo thói quen đọc sách cho con từ bé, hai con của tôi cũng rất yêu sách, đọc sách thường xuyên. Với tôi, sách luôn có vai trò quan trọng với sự phát triển của con người, cung cấp tri thức, giảm căng thẳng, giúp tôi tìm được niềm vui trong cuộc sống”.

Trên cả những phong trào phát động, đọc sách là một thói quen được hình thành bởi sự ảnh hưởng trong môi trường gia đình và nhà trường.

Trước sự phát triển như vũ bão về văn hóa nghe nhìn, mạng xã hội và các hình thức giải trí nhanh gọn... sự định hướng, quan tâm của gia đình, nhà trường đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc thúc đẩy văn hóa đọc của thanh thiếu niên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn