MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Đất rừng phương Nam” chật vật vượt mốc 100 tỉ đồng do bị một bộ phận cộng đồng mạng tấn công, vùi dập. Ảnh: Nhà sản xuất

Môi trường phê bình, lý luận phim trên mạng đang trở nên hỗn tạp, khó kiểm soát

Huyền Chi LDO | 18/12/2023 13:30

Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, xuất hiện nhiều KOL (người có sức ảnh hưởng), các trang mạng xã hội, tác động rất lớn đến hoạt động văn học, nghệ thuật.

Phê bình phim đi xuống

Sự lan rộng của các nền tảng mạng xã hội, website, blog cung cấp một không gian mở cho hoạt động phê bình phim. Ở đó, các liên hoan phim lớn, các bộ phim đạt giải, các tác phẩm mới ra rạp, các đạo diễn, diễn viên... đều được bàn luận ít nhiều.

Những bài viết được khẳng định là “quan điểm cá nhân”, “có gì nói đó”, thực chất hoàn toàn có thể bị thao túng bởi các nhà phát hành. Những năm qua, có rất nhiều phim Việt đạt doanh thu cao ngất ngưởng một phần nhờ hiệu ứng “truyền miệng” trên mạng xã hội.

Nhà văn Huỳnh Mẫn Chi khẳng định, sự ra đời của khoa học công nghệ, sự vắng bóng của các nhà lý luận, phê bình, đã tạo nên một môi trường phê bình, bình luận từ các YouTuber, TikToker rất hỗn tạp và khó kiểm soát. Tình trạng “câu like”, thu hút tương tác bất chấp nguy hiểm như một vấn nạn.

Nhà văn cho biết: “Ai cũng làm nhà lý luận, phê bình trên không gian mạng. Nhưng các “sản phẩm” của họ thường chỉ là các video nhắc đến một bộ phim nào đó, lại rất hút người xem. Bình luận tác phẩm kiểu kể lể nội dung theo phỏng đoán, đã nhanh chóng trở thành trào lưu trên mạng xã hội. Những kênh chăm chỉ review (đánh giá, nhận xét) các phim nổi tiếng, đang công chiếu, kênh đó sẽ tăng lượt xem nhanh chóng. Lượng người xem càng tăng, càng khiến các chủ kênh thu về số tiền kếch xù trên các nền tảng YouTube, TikTok...”.

Các bộ phim vừa ra rạp, ngay lập tức xuất hiện tràn lan những bài viết, video nói về dàn diễn viên, kịch bản, thậm chí... cảnh nóng để thu hút người xem. Thế nhưng, công chúng nghệ thuật thứ bảy lại khó tìm thấy những bài đánh giá, phân tích, định hướng cho tác phẩm từ giới phê bình điện ảnh chuyên nghiệp. Hoạt động lý luận, phê bình phải góp phần nâng cao các giá trị nhận thức, không phải lên mạng “nghe nhìn”, “đọc hiểu” bình luận của các KOL.

“Một lực lượng tự nhận mình là giới lý luận, phê bình trên mạng, nhưng chưa từng học về chuyên ngành lý luận, phê bình. Họ tự khoác danh “chiếc áo phê bình” rồi nâng lên đặt xuống những tác phẩm theo cảm hứng cá nhân. Tình trạng thiếu vắng các nhà lý luận, phê bình trên các trang mạng, chính là sự bành trướng của giới review, kéo theo sự lệch chuẩn, đánh mất đi định hướng phát triển ở lĩnh vực văn học nghệ thuật” - nhà văn Huỳnh Mẫn Chi nhấn mạnh.

Mặt trái của phê bình mạng

Hoạt động review (đánh giá, nhận xét) một bộ phim nở rộ những năm vừa qua nhưng nhiều kênh chỉ đơn giản tóm tắt tình tiết phim, đặt tiêu đề giật gân, có khi tự đổi tên nhân vật thành những danh từ chung như “cô gái này”, “anh bác sĩ”, “cậu bé áo đỏ” để dễ nhớ, không nhầm nhân vật.

Từ đó, phim “Thiên thần hộ mệnh” của Victor Vũ bị một kênh gắn mác review phim giật tít thành “Đắm chìm trong quyền năng của bùa ngải, cô gái trẻ nhận cái kết đắng thảm hại”. Hay phim “Hai Phượng” qua giọng văn của một trang review lại có nội dung kiểu “chị đại giang hồ một mình cân hết bọn bắt cóc giải cứu con gái”.

TS Huỳnh Vũ Lam (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng) chỉ ra ví dụ cụ thể: “Phê bình mạng đã làm doanh thu của bộ phim “Đất rừng phương Nam” giảm rõ rệt, nhưng sâu xa hơn, nó làm suy giảm niềm tin của người làm nghề, nó đánh tráo những giá trị ảo trên những diễn đàn, nó bỏ qua những tiếng nói trung thực, nó góp phần làm xói mòn niềm tin của người xem về cái chân, cái thiện”.

TS Huỳnh Vũ Lam cho rằng, phê bình văn học, nghệ thuật trên mạng có cơ chế khác với phê bình văn học truyền thống. Phê bình mạng phần lớn là ăn xổi ở thì, chạy theo xu hướng, chịu sự tác động của cộng đồng hơn là khả năng tự chủ của bản thân người viết trước một vấn đề văn học nghệ thuật. Vì vậy, phê bình mạng không chỉ làm tổn hại đến đời sống bình thường của việc thưởng thức tác phẩm mà nó tạo ra những hiện tượng lệch giá trị của nền văn hóa Việt Nam.

Khi phê bình chuyên nghiệp vắng bóng và tẻ nhạt, khoảng cách giữa cảm nhận của giới phê bình và thị hiếu thưởng thức của công chúng càng lớn. Thế nhưng, giới chuyên môn nhận định, cách phê bình, đánh giá tác phẩm theo kiểu “ăn xổi” như hiện nay có thể thúc đẩy một nền văn hóa hời hợt, khiến nền công nghiệp văn hóa phát triển chậm lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn