MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Họa sĩ Nguyễn Tấn Đạt. Ảnh: V.V

“Mong muốn truyền tải những giá trị nghệ thuật Việt…”

Việt Văn (thực hiện) LDO | 18/10/2021 10:22

Đạo diễn, NSND Đào Trọng Khánh có lần bảo tôi rằng: “một cái cây có thể ngắm bốn mùa nữa là con người”. Có lẽ vì bản thân mỗi người là một “tiểu vũ trụ”. Câu chuyện với họa sĩ Nguyễn Tấn Đạt, chàng trai gốc Hải Phòng vào phương Nam lập nghiệp và thành danh ở đây, ngay sau khi TPHCM vừa mở cửa sau một thời gian dài gần như “đóng băng” vì COVID-19.

Cả một khoảng thời gian dài ở nhà, anh có nung nấu được ý tưởng mới nào cho sáng tạo nghệ thuật để giờ đây khi TPHCM mở cửa lại, sẽ triển khai?

- Hơn 4 tháng dài bị hạn chế tiếp cận với nguyên vật liệu sáng tác, cũng như không thể ra ngoài để tạo cảm hứng sáng tạo. Việc tìm lại các chất liệu từ kho tư liệu sách vở lịch sử, tôn giáo, phim tài liệu, phóng sự văn hóa đã làm tôi ấp ủ thêm nhiều dự định mới trong đó có việc sáng tạo các hình ảnh về thiền, về hình tượng văn hóa truyền thống Việt bằng chất liệu đất nặn thuần Việt như tượng Chim Lạc, Ông Khiết (cụ Cóc 4 chân Lạc Việt), con Nghê, hay Quan Âm Thị Kính…

Anh từng nổi tiếng khi đi đầu trong dòng tranh cá 3D lên tới cả trên 12.000 con, và đồng hành cùng các nghệ nhân Việt, như nghệ nhân hoa đất sét, gáo dừa thủ công mỹ nghệ, gốm sứ thuần Việt, đẩy ra thị trường... Dự án dài hơi đó đã triển khai và nó có hiệu quả như thế nào?

- Thực sự nói “dự án” thì có vẻ hơi to tát, bản thân tôi chỉ muốn lan tỏa sự sáng tạo dựa trên các chất liệu quý giá là truyền thông văn hóa thuần Việt. Nhìn về các nước trên thế giới, thủ công mỹ nghệ đặc biệt là các sản phẩm mang tính địa phương được nhiều người chú trọng, nhưng ở Việt Nam thì hơi khác biệt. Tôi rất trăn trở về chuyện ấy, chính vì vậy mà tôi luôn tìm kiếm, kết nối những nghệ nhân sáng tạo và gợi ý cho họ, nếu thấy hợp ý thì cùng bàn luận thêm ý tưởng. Và cứ thế, từ ngày này qua tháng nọ, đến vài năm thì cũng gặp được rất nhiều người đồng quan điểm và cùng nhau lan tỏa, sẻ chia. Nhiều nghệ nhân tiềm năng tôi gặp khi chia sẻ hướng sáng tạo, đã được báo chí đón nhận, công chúng quan tâm khá nhiều.

Là một nghệ sĩ đa tài (vẽ tranh, viết thư pháp, chụp ảnh báo chí và nghệ thuật…), có bao giờ anh đặt câu hỏi: Vì sao mình có thể làm được nhiều việc như thế không, hay bởi nguồn năng lượng trong anh quá dồi dào và mạnh mẽ?

- Bản thân tôi là một người có nhiều bệnh nền, đi lại khó khăn nhưng có lẽ năng lượng sáng tạo và đam mê nghệ thuật cộng với lòng yêu quý về văn hóa Việt, lịch sử Việt đã giúp tôi không ngừng học hỏi, rèn luyện, mong muốn truyền tải những giá trị nghệ thuật Việt qua từng mảng nghệ thuật đã và đang đi…

Anh làm những tác phẩm mình thích và bán được ra thị trường hay anh nghiên cứu nhu cầu khách hàng để kết hợp giữa ý sáng tạo cá nhân và đòi hỏi thị trường?

- Trong thời đại ngày nay, mọi thứ đều diễn ra liên tục và không ngừng thay đổi. Để cân bằng được việc “sống bằng nghệ thuật” cả 2 vế vật chất và tinh thần, đòi hỏi tôi phải luôn tìm kiếm để kinh doanh nghệ thuật và bán nghệ thuật để nuôi nghệ thuật. Phải biết cách tận dụng các công cụ công nghệ tìm kiếm nhu cầu của khách hàng, sau đó phân tích và khéo léo lồng ghép những thông điệp, sáng tạo rồi từ từ hướng khách hàng vào các tác phẩm sáng tạo của riêng mình.

Anh tìm kiếm ý tưởng sáng tạo và nguồn cảm hứng từ đâu trong cuộc sống hằng ngày?

- Tôi may mắn ở trong khu lao động phổ thông, những âm thanh, hình ảnh, câu chuyện đời sống hằng ngày rất đa dạng phong phú, bên cạnh đó là “thế giới phẳng” qua các mạng xã hội, dễ dàng giao tiếp với các bạn nước ngoài. Thiền giúp tôi lắng động, kích thích các giác quan nhạy bén hơn, dễ dàng đón nhận nhiều nguồn thông tin hơn.

? Được biết, anh rất thích lang thang khắp các hang cùng ngõ hẻm ở Sài Gòn để tìm hiểu những nét văn hóa bản địa từ xa xưa có thể ngày nay đã mai một đi ít nhiều, vì sao anh làm việc đó?

- Một người yêu quý lịch sử, nhìn những hình ảnh xưa nay không còn, điều này rất ám ảnh với tôi, nó như mất đi một phần ký ức của bản thân. Nếu chúng ta sống ở những thành phố mà không còn lịch sử, giống như một người không biết mình từ đâu mà ra. Những bức ảnh, những tư liệu tôi tìm kiếm và lưu lại, tôi hy vọng sẽ giúp được cho thế hệ mai sau trong việc tìm hiểu về lịch sử văn hóa xưa.­­ Ban đầu khi đi chụp và quay tư liệu chỉ có một người bạn vong niên đi cùng, nhưng sau khi chia sẻ hình ảnh, video clip thì được rất nhiều người quan tâm và ủng hộ.

Có nhiều người ở hải ngoại sau khi xem ảnh của tôi và gọi điện thoại hoặc nhắn tin kể lại những kỷ niệm ở Việt Nam rất nhiều, kể về tuổi thơ ở “xóm cũ” và mong muốn tìm lại những hình ảnh xưa, thăm lại những nơi đã đi qua khi có dịp quay lại Việt Nam. Đến giờ tôi đã có một nhóm những người yêu thích chụp ảnh đường phố, rồi tôi xây dựng thêm và đặt tên nhóm là “Nhiếp ảnh góc nhìn” nhóm thường tổ chức nhiều buổi họp mặt để chụp ảnh, chia sẻ kỹ thuật rồi cùng nhau đi chụp, giống như một tour du lịch trong thành phố vậy. Nhóm có nhiều bạn trẻ chỉ đôi mươi và có nhiều mái tóc đã bạc trắng tuổi thất thập, có người rành về công nghệ kỹ thuật chụp ảnh, có người chỉ mới vừa làm quen, bằng các thiết bị đơn giản chỉ là chiếc điện thoại di động những đã cho ra nhiều hình ảnh cảm xúc khác nhau ở mỗi “góc nhìn” rất đời và nghệ thuật…

Mỗi sáng ngủ dậy, ý nghĩ nào đến với anh đầu tiên và trước khi đi ngủ anh nghĩ gì?

- Ý nghĩ vào mỗi sáng của tôi cũng đã thay đổi theo từng thời điểm, nếu trước khi dịch bệnh bùng phát, khi thức dậy tôi phải suy nghĩ xem sáng nay phải giải quyết vấn đề nào trước, đi đâu trước. Hơn 4 tháng qua, khi thức dậy, tôi lại tự cho phép mình buông xả, tự cảm nhận những âm điệu xung quanh, cảm nhận được sức khỏe của các thành viên trong gia đình và lấy đó là năng lượng tích cực cho cả ngày. Thói quen của tôi nhiều năm qua vẫn vậy, mỗi tối trước khi ngủ, thường tổng kết lại hôm nay đã làm được bao nhiêu việc và đặc biệt là học thêm bao nhiều điều, để cố gắng nhắc nhở bản thân phải luôn học hỏi, cầu thị.

Gần đây trên mạng xã hội, một số nghệ sĩ khi sa vào những cuộc tranh cãi, tranh luận khi nóng giận đã không còn giữ được phát ngôn chuẩn chỉ, anh có ý kiến gì về việc này?

- Trong nhiều năm qua bản thân tôi cũng đã vấp phải nhiều cuộc tranh luận tương tự. Việc xung đột về các luồng tư tưởng trong nghệ thuật là không thể tránh khỏi, tuy nhiên trong khi tranh luận phải hết sức kiềm chế và cẩn ngôn, cần đưa ra các luận cứ thuyết phục, tránh “đánh tráo khái niệm”, không được “công kích cá nhân”, đặc biệt là phải dựa trên “tinh thần xây dựng” chứ không phải “hạ gục đối phương” và vi phạm pháp luật.

Anh tôn trọng những giá trị nào nhất trong cuộc sống?

- Nói về “giá trị” chúng ta có nhiều định nghĩa khác nhau. Nhưng giá trị “đạo đức” với tôi là phải đưa lên hàng đầu, một xã hội tử tế sẽ tiến bộ không ngừng vì ở đó, nhiều người sẽ giúp nhau, cùng nhau phát triển.

Cảm ơn anh và chúc anh không ngừng sáng tạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn