MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh phim chuyển thể từ sách "Một con người"

“Một con người”, trực diện tàn nhẫn từ trang sách đến màn ảnh

HÀ ĐỖ LDO | 28/02/2019 19:00
“Một con người” là "một trong những tiểu thuyết xuất sắc nhất trong phong trào giải phóng người đồng tính hiện đại” và được nhà thiết kế Tom Ford của thương hiệu Gucci chuyển thể thành phim xuất sắc. 

Đây là cuốn tiểu thuyết của nhà văn Christopher Isherwood có tên gốc “A single man” lần này được dịch giả Ngô Hà Thu và nhà sách Tao Đàn ra mắt độc giả với tên gọi “Một con người”, khác với lần xuất bản trước kia với tên “Người cô độc”. 

Buổi ra mắt “Một con người”

Giải thích sự thay đổi này đều nằm trong chủ ý, dịch giả Ngô Hà Thu cho rằng, tên sách “Một con người” mang nghĩa rộng hơn khiến cuốn sách, là câu chuyện của một chủ thể đích thực với phần “con” và phần “người” rõ rệt, thay vì chỉ tạo cảm giác bó hẹp tái hiện nỗi cô đơn của nhân vật chính.

Ngay từ lần xuất bản đầu tiên vào năm 1964, tiểu thuyết đã khiến nhiều độc giả choáng váng khi khắc họa một cách trực diện đến tàn nhẫn ngày cuối đời của một trí thức đồng tính. George, một giáo sư văn chương Anh, đang nỗ lực tìm lại cân bằng sau cái chết bất ngờ của người bạn đời.

Anh quyết duy trì nếp sống cũ, và điềm nhiên quan sát nhân sinh như một kẻ ngoài cuộc. Nhưng bên dưới nhịp sống bình lặng ấy là sục sôi giận dữ, cô đơn tột cùng và đau đớn khôn khuây…

Bìa cuốn sách “Một con người”.

Theo nhà văn Edmund White, cuốn sách “là một trong những tiểu thuyết đầu tiên và xuất sắc nhất trong phong trào giải phóng người đồng tính hiện đại”.

Dịch giả Nham Hoa cho rằng, nhân vật George đối mặt với 4 nỗi cô độc: Ông là một người di cư từ lục địa già sang tân thế giới; ông vừa mất Jim – người bạn tình ông yêu thương nhất; ông cô độc với bản chất mình là người đồng tính giữa một quần thể người hầu hết là người dị tính; là một giáo sư già, ông cũng phải đối diện với nỗi cô độc vì chênh lệch tuổi tác với sinh viên. Mỗi buổi đến trường giảng dạy, ông như trở thành một con ong chăm chỉ và tội nghiệp, đến hút sự tươi trẻ, nhiệt huyết của sinh viên để bù đắp sinh khí cho cuộc sống ảm đạm của mình.

“Một con người” được chuyển thể thành phim bởi đạo diễn Tom Ford.

Nhưng vượt lên trên nỗi cô đơn, tiểu thuyết còn là lát cắt tái hiện lịch sử, các cấp độ mâu thuẫn giữa nhiều tầng lớp, tình yêu chung thủy đối lập với những nỗi ích kỷ thầm kín…

Năm 2009, gần nửa thế kỷ sau khi tiểu thuyết ra mắt, Tom Ford - nhà thiết kế đã góp phần không nhỏ tạo nên thành công của hãng thời trang Gucci đã táo bạo trở thành đạo diễn cho bộ phim chuyển thể trực tiếp từ tiểu thuyết. Tuy lần đầu thử sức trong vai trò đạo diễn nhưng Tom Ford lại khiến người xem ngỡ ngàng và bộ phim nhanh chóng lọt vào đề cử của nhiều giải thưởng quan trọng.

Bằng lăng kính của nghệ thuật thiết kế thời trang, bộ phim trau chuốt từng khung hình từ cách dàn cảnh đến phục trang diễn viên. Nhưng quan trọng nhất, như dịch giả Ngô Hà Thu nhận định: “Tom Ford đã dịch cuốn tiểu thuyết thêm lần nữa”.

Những nhân vật từ tiểu thuyết bước vào màn ảnh vừa chân thực lại vừa sáng tạo, gây ấn tượng mạnh về mặt thị giác, xúc giác. Tuy độ dài của một bộ phim không thể truyền tải hết diễn biến tâm lý phức tạp của các nhân vật, đặc biệt là vị giáo sư George trong ngày cuối cùng trước khi ông tự sát nhưng dưới sự dàn xếp tài tình của đạo diễn Tom Ford, mọi sự kết hợp đều trở nên hoàn hảo. Từ phong thái nhập vai xuất thần của Colin Firth đến âm nhạc du dương của Abel Korzeniowski đã hiện thực hóa những chi tiết đắt giá từ cuốn sách đưa vào phim, khiến khán giả có những dư vị cảm xúc khó quên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn