MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Một cuộc chơi

Việt Văn LDO | 04/12/2023 06:39

Chàng họa sĩ trẻ đang là một gương mặt “hot” bán tranh chạy ầm ầm, ngồi uống ly vang chat kể đời anh gặp nhiều thầy nhưng ấn tượng nhất là thầy T vì ông bảo: Cậu học tôi làm gì, cậu đi học các danh họa Leonardo da Vinci, Rembrandt, các bậc thầy thời Phục Hưng... đi. Họ mới xứng đáng để nghiên cứu, học hỏi.

Một thời gian sau, trong một cuộc thi dự án mỹ thuật quốc tế, tình cờ thầy và trò cùng gửi đi, nhưng trò đậu, còn thầy không được chọn. Nhưng thầy không hề “gato” mà còn vui mừng đi khoe cậu học trò thắng giải.

Bạn gật gù và bàn thêm, thực ra cuộc thi xét cho cùng chỉ là một cuộc chơi. Mà đã là chơi thì yếu tố may mắn vai trò đáng kể. Như người ta thường nói ban giám khảo nào thì kết quả nấy. Tất cả phụ thuộc vào “gu” của ban giám khảo, người “gu” mặn, kẻ “gu” nhạt, thiểu số phải phục tùng đa số. Chưa kể, tại một thời điểm, giám khảo trong tâm trạng này có thể tung hô tác phẩm nọ song ở thời điểm khác, cũng tác phẩm đó có thể lại bị hạ xuống bùn đen.

Từng nhớ, nhiều năm trước tại một cuộc liên hoan lớn, vị chủ khảo từng phát biểu hùng hồn rằng, không căn cứ vào dư luận, vào truyền thông, vào tên tuổi tác giả mà chỉ căn cứ vào tác phẩm có dội lại người xem không... Nhưng kết quả cuối cùng lại gây nhiều tiếng thở dài thất vọng, còn sau này vị chủ khảo đó thừa nhận lúc đó bị cảm tính chi phối nhiều.

Các cụ bảo nhìn đi cũng cần nhìn lại. Ai chả yêu tác phẩm - “đứa con” của mình và nếu mình thỏa mãn hoàn toàn với nó thì đã là hạnh phúc. Còn mọi sự khen chê cũng chỉ là phù du.

Cậu họa sĩ thêm vào: Vả lại “con mình” có thể xinh đẹp, tài giỏi nhưng mình đã xem hết “con” của những người khác chưa. Cuộc đời luôn có câu “núi này cao lại có núi khác cao hơn”. Làm nghệ sĩ phải có tinh thần “ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất...” nhưng cũng cần nhìn rộng hơn ra, mọi chuyện xảy ra đều có lý do của nó.

Bạn cười: Cậu mới U40 mà đã “tri thiên mệnh” hiểu rõ chuyện đời, nên chắc chả còn gì ngạc nhiên nữa.

Ông nhạc sĩ nãy giờ chỉ ngồi im cười tủm tỉm, giờ mới thủng thẳng: Không cứ tuổi nào mới “tri thiên mệnh” nói như nhà hiền triết Osho..., câu nói dở dang của ông bị chìm vào lời bài hát của nhạc sĩ họ Trịnh tự nhiên vang lên trong quán “Cuộc đời đó có bao nhiêu mà hững hờ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn