MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Di tích Quốc gia Trận Giồng Bốm, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Phan Thanh Cường

Một di tích Quốc gia gắn với nhà trí sĩ yêu nước Cao Triều Phát

NHẬT HỒ LDO | 31/01/2022 16:20

Cuối năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quyết định xếp hạng là di tích quốc gia Di tích lịch sử địa điểm trận Giồng Bốm. Đây là di tích Quốc gia được biết đến gắn liền với nhà trí sĩ yêu nước Cao Triều Phát.

Trận Giồng Bốm lưu danh

Trận Giồng Bốm năm 1946 diễn ra tại khu vực Tòa thánh Ngọc Minh, thuộc ấp 7, xã Phong Thạnh Tây, huyện Giá Rai (nay là thị xã Giá Rai) tỉnh Bạc Liêu. Trận Giồng Bốm năm 1946 do các chức sắc, chức việc, đạo tâm của toàn phái Cao Đài Minh Chơn Đạo, dưới sự lãnh đạo của ông Cao Triều Phát (1889 – 1956) đứng lên chống Pháp vào những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến. Đây là một trong những trận đánh lớn của Nam Bộ lúc bấy giờ. Trận đánh làm cho thực dân Pháp chùn bước trong việc mở rộng đất đai xuống vùng đất phía Nam để vơ vét sản vật một thời gian dài.

Đường vào Di tích Quốc gia Trận Giồng Bốm, ảnh: Nhật Hồ

Trận Giồng Bốm năm 1946 là trận chiến ác liệt, với vũ khí thô sơ và lòng quả cảm của các chức sắc, chức việc, đạo tâm của Cao Đài Minh Chơn Đạo, theo lời kêu gọi cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xông lên chiến đấu tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Đây là một trong những trận đánh lớn ở miền Tây Nam Bộ vào thời điểm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ.

Trận đánh đã gây xúc động mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân, các chi phái Cao Đài và các tôn giáo bạn mang tâm hồn dân tộc; làm nung nấu tinh thần yêu nước, chí căm thù giặc sâu sắc.

Trận đánh thất thủ là một tổn thất lớn lao về người và tài sản của toàn phái Minh Chơn Đạo, những công trình đồ sộ như Tòa thánh Ngọc Minh và Ngũ hành tòa đã bị phá hủy và 137 chức sắc, chức việc, đạo tâm, thanh niên Đoàn đạo đức của Cao Đài Minh Chơn Đạo đã anh dũng hy sinh vào những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến.

Trận Giồng Bốm năm 1946 có giá trị lịch sử và ý nghĩa thực tiễn vô cùng to lớn, là sự thể hiện tinh thần yêu nước, tình đoàn kết trên dưới một lòng của tín đồ Cao Đài Minh Chơn Đạo đi theo lời kêu gọi cứu nước của Hồ Chủ tịch đứng lên chống thực dân Pháp trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, gây cho địch nhiều tổn thất lớn.

137 chiến sĩ được khắc tên tại Di tích Quốc gia Trận Giồng Bốm. Ảnh: Nhật Hồ

Thông qua Trận Giồng Bốm năm 1946 cho thấy được truyền thống yêu nước, chí căm thù giặc sâu sắc của dân tộc ta. Mỗi khi đất nước lâm nguy, kẻ thù sang xâm chiếm, đã là người Việt Nam, bất kể già hay trẻ, gái hay trai, bất kể bên lương hay bên giáo đều đứng lên chống giặc. Trận Giồng Bốm năm 1946 là một điển hình như thế.

Hiện tại, kiến trúc của Thánh thất Ngọc Minh được xây dựng lại gồm 3 ngôi nhà: Hiệp thiên đài, Cửu trùng đài và Bát quái đài được nối dài, bày trí thờ trong Thánh thất Ngọc Minh khá giản đơn: Chánh giữa điện thờ “Thiên Nhãn”, bên tả điện thờ Quan Thánh, bên hữu điện thờ Diêu Trì Kim Mẫu.

Trí sĩ yêu nước Cao Triều Phát người lãnh đạo Trận Giồng Bốm

Theo nhà văn Phan Trung Nghĩa, tác giả của cuốn sách “Cao Triều Phát kẻ sĩ đất phương Nam”, Cao Triều Phát xuất thân trong một gia đình quan lại và là đại điền chủ, thế lực và sự giàu có vào bậc nhất ở Bạc Liêu. Tuổi thanh niên Cao Triều Phát không dựa vào gia thế, tiền bạc để vinh thân, phục vụ cho thực dân Pháp; không trở thành công tử Bạc Liêu trong nhóm công tử Bạc Liêu đương thời, mà dành hết cả tuổi trẻ cho các hoạt động xã hội để bênh vực cho quyền lợi công nhân lao động người Việt ở Pháp quốc cũng như ở bản xứ đang bị bóc lột, bị chà đạp nhân phẩm.

Trích một phần bài viết của Chủ tịch Tôn Đức Thắng viết về cụ Cao Triều Phát tại Di tích Quốc gia Trận Giồng Bốm. Ảnh: Nhật Hồ

Ngày 12.11.1926, Cao Triều Phát cùng một số bạn bè đồng chí hướng sáng lập tổ chức "Đông Dương lao động Đảng" và lấy hai tờ báo là Nhật Tân báo và Ere nouvelle làm cơ quan ngôn luận. Từ năm 1933, Cao Triều Phát nhập môn Phật giáo Cao Đài - một tôn giáo lớn của Nam Bộ, rồi trở thành giáo phẩm cao cấp và sau đó là lãnh tụ Cao Đài Hậu Giang.

Trong thời gian này, cụ đã tập hợp, lãnh đạo tổ chức đạo Cao Đài theo Đảng chống Pháp với hai câu nói nổi tiếng: "Bàn thờ tôn giáo thì nhiều nhưng bàn thờ Tổ quốc chỉ có một"; "Hành đạo là kháng chiến, kháng chiến là hành đạo". Vì thế mà người ta nhận định Cao Triều Phát là một hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc.

Bức anh cụ Cao Triều Phát chụp cùng với Bác Hồ được treo tại Di tích Quốc gia Trận Giồng Bốm. Ảnh: Nhật Hồ

Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu, để huy động các tầng lớp nhân dân cho nhiệm vụ giành chính quyền, ngày 17.8.1945, Tỉnh ủy Bạc Liêu quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh do ông Lê Khắc Xương, Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ nhiệm và ông Cao Triều Phát được cách mạng giao làm Phó Chủ nhiệm. Đến ngày 22.8.1945, Tỉnh ủy lại chủ trương thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc tỉnh là đại biểu của các tổ chức thành viên Mặt trận và cử Cao Triều Phát làm Phó Chủ tịch Ủy ban này.

Sau Trận Giồng Bốm, Cao Triều Phát về Khu tây Nam Bộ, rồi tập kết ra Bắc và giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Khu, ở Miền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quốc hội nước Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn