MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân, du khách đến hội sách. Ảnh: Khánh An

Một ngày ở hội sách

KHÁNH AN LDO | 22/04/2024 09:26

Từng nhiều lần đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào những dịp đầu năm hay trước các kỳ thi quan trọng, thế nhưng, đây là lần đầu tiên tôi đứng giữa khu vực sân nhà Bái đường để lật giở từng trang sách lịch sử. Cảm xúc thật lạ.

Lật giở từng trang lịch sử trên màn hình cảm ứng

Đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào một ngày chớm hạ, những tia nắng len lỏi qua hàng cây rồi rải vàng khắp con đường tôi đi từ cổng Văn Miếu, qua cổng Đại Trung rồi đến Khuê Văn Các. Dọc 2 bên đường, những chiếc standee “Chào mừng ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3” nhẹ lay trong gió. Đi dọc hết con đường nhỏ, qua Giếng Thiên Quang là đến khu vực sân nhà Bái đường. Tại đây, một chiếc máy đọc sách “cỡ đại” được đặt giữa trung tâm.

Sách điện tử gồm 10 cuốn sách đa phương tiện, 20 cuốn sách tranh và một số sách khác. Những cuốn sách này giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của một số danh nhân văn hóa, những bậc hiền tài của dân tộc ta như: Nguyễn Hiền; Chu Văn An; Nguyễn Trãi; Lương Thế Vinh; Lê Quý Đôn; Ngô Thì Nhậm; Thân Nhân Trung...

Nội dung sách ngoài thông tin dạng chữ viết, hình ảnh còn có tích hợp một số thành phần đa phương tiện như: Video, thư viện ảnh, biểu đồ... Đặc biệt, sách còn có các thành phần tương tác mang lại cho bạn đọc những trải nghiệm mới đầy thú vị trong việc đọc sách, phát huy được thế mạnh của dạng sách điện tử.

Đứng kế bên tôi, Nguyễn Hương Giang (học sinh lớp 12 chuyên Văn, Trường Chuyên Nguyễn Huệ) liên tục có biểu cảm bất ngờ khi lật giở “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia - Thân Nhân Trung”. Giang cho biết, em từng được học về cuốn sách này thông qua một đoạn trích trong sách giáo khoa lớp 10. Thế nhưng, cảm giác đọc lại bằng sách điện tử với những hình ảnh, biểu đồ sinh động khiến em cảm thấy mới mẻ, thú vị. Đặc biệt hơn, nơi em đang đứng đọc sách lại là một địa điểm gắn với truyền thống hiếu học, yêu chữ của người Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các bộ sách này sẽ giúp bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc nhỏ tuổi có thể dễ nhớ, dễ hiểu về di tích lịch sử, văn hóa đặc biệt quan trọng của nước ta và những nhân vật lịch sử tiêu biểu, từ đó, góp phần bồi đắp thêm tình yêu quê hương đất nước và truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, trọng dụng nhân tài của dân tộc ta.

Tìm bình yên trong từng trang sách

Tại Hồ Văn, bà Nguyễn Thị Minh (Đống Đa, Hà Nội) đang say mê với cuốn sách giấy Bí mật của nước. Bà Minh tâm sự, thuở bé có niềm đam mê với sách nhưng khi đó cuộc sống khó khăn, không có điều kiện tiếp cận với sách. Khi lớn lên, bị cuốn vào vòng xoáy cơm, áo, gạo tiền, không có thời gian đọc sách.

“Đến giờ về già rồi, mình mới tìm lại đến với sách, tìm bình yên trong những trang sách” - bà Minh nói. Những ngày qua, theo thông tin trên báo đài, bà Minh được biết tại khu vực Hồ Văn (nằm trong quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám) có tổ chức hội chợ sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 nên đã tranh thủ ghé thăm để tìm mua một số cuốn sách Phật giáo.

Theo thông tin từ ban tổ chức, hội sách dự kiến có khoảng 60 đơn vị tham gia, trưng bày, giới thiệu và cung cấp cho bạn đọc trên 40.000 đầu sách có giá trị.

Tại Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba 2024, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chuyển đổi số đặt yêu cầu mới cho ngành Xuất bản muốn phát triển phải hoạt động đồng thời ở cả 2 không gian: Cũ và mới. Không gian mới với sự trợ giúp của công nghệ sẽ được mở rộng, nâng cao chất lượng và năng suất lao động. Không gian mới sẽ giúp cho xuất bản mở rộng thị trường, tạo ra các sản phẩm mới, tạo ra sự phát triển mới trong dài hạn. Bộ trưởng cho rằng, muốn xuất bản phát triển thì cần tăng cường truyền thông, quảng bá về sách và văn hóa đọc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn