MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguồn ảnh: vanhocsaigon.com

Một “Phượng Hoàng” đã ra đi

Việt Văn LDO | 08/09/2020 11:43

Làm thơ, viết tiểu thuyết, kịch bản điện ảnh, đạo diễn phim tài liệu... NSƯT Văn Lê đa tài hiếm có và ở lĩnh vực nào ông cũng có những tác phẩm xuất sắc. Đặc biệt, ông viết nhiều về chiến tranh, duyên nợ với lịch sử. Người tài đó đã rời xa cõi tạm để đi sang một thế giới mới vào tối 6.9.

1. Nhớ về ông ở những lần gặp tại các kỳ, cuộc của ngành Điện ảnh luôn là một con người nhân hậu, dễ mến với nụ cười hiền. Nhưng trên diễn đàn hội thảo, ông phát biểu thẳng thắn, không hề e ngại mất lòng ai đó và trên trang viết đó là một nhà văn, nhà biên kịch quyết liệt, sắc bén với câu chữ gửi gắm những ý tưởng sâu sắc bên trong.

Văn Lê làm việc chuyên nghiệp, sức lao động sáng tạo của ông khiến nhiều người nể phục. Đặc biệt mảng đề tài người lính trong tiểu thuyết của ông ghi dấu ấn đậm đặc. Trong đó, tiểu thuyết “Mùa hè giá buốt” nhận giải B Văn học chiến tranh của Bộ Quốc phòng (2004 - 2009) và giải Nhất Giải thưởng văn học nghệ thuật TPHCM 5 năm lần thứ I (2006-2011). Cuốn sách mà nhà phê bình Ngô Thảo nhận định: “Nếu viết về sự sòng phẳng trong chiến tranh thì chưa có cuốn nào vượt qua “Mùa hè giá buốt” cả”.

Bên cạnh những chiến công, Văn Lê không ngại viết về cả những mất mát, hy sinh kể cả những sai lầm trong cuộc chiến. Sau “Mùa hè giá buốt”, cuốn tiểu thuyết “Phượng Hoàng” lại nhận giải A về văn học chiến tranh của Bộ Quốc phòng 5 năm (2009-2014) và giải Nhì Giải thưởng Văn học nghệ thuật TPHCM 5 năm lần thứ II (2012-2017).

5 năm trước, khi trả lời phỏng vấn của Báo Lao Động (nhà báo Nhật Lệ), nói về tiểu thuyết “Phượng Hoàng”, ông đã tâm sự: “Cho đến bây giờ, cho dù chiến tranh đã trôi qua 40 năm nhưng nhiều đêm nằm nhớ lại những gì đã xảy ra, tôi vẫn còn nghe văng vẳng ở đâu đó tiếng pháo bầy, tiếng bom rơi và tiếng rú của máy bay trực thăng xả đạn… khiến tôi giật mình không sao ngủ được. Chính vì thế, cuốn tiểu thuyết “Phượng Hoàng” xoay quanh vấn đề duy nhất: Phẩm hạnh. Khi chúng ta bị chà đạp, bị kẻ khác chùi chân lên người mình mà vẫn giữ được phẩm giá một cách kiêu hãnh thì đó chính là phẩm hạnh. Nhờ đó, chúng ta mới tích cóp được sức mạnh để lật ngược thế cờ. Chính phẩm hạnh đó được lưu trữ từ tổ tiên truyền đến người lính để họ giữ được danh dự, cốt cách con người, đi vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh một các điềm tĩnh và đầy tính nhân văn...”.

Độc giả còn được thưởng thức giọng điệu riêng của ông qua hàng chục tiểu thuyết “Người gặp trên tàu”, “Khoảng rừng có những ngôi sao”, “Hai người còn lại trong rừng”, “Khi tòa chưa tuyên án”, “Tiếng rơi của hạt sương”, “Nếu anh còn được sống”, “Mỹ nhân”, “Thù lao cuộc sống”, “Chòm sao khuất bóng”, “Khế ước cuộc đời”…

Điều thú vị là Văn Lê khởi nghiệp bằng thơ với giải nhất cùng với 2 nhà thơ Hữu Thỉnh và Anh Ngọc ở cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ 1975-1976, với bài thơ tiêu biểu “Tiếng gọi bò” mà ông viết tại vùng ven đô Sài Gòn năm 1971 như một khát vọng một cuộc sống thanh bình: “Tiếng gọi bò vần ta trằn trọc/Trong căn hầm trống trải ven sông”. Sau đó, ông nhận giải B thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1984, rồi giải A thơ về đề tài Chiến tranh Cách mạng, Hội Nhà văn Việt Nam 1994, rồi là tập trường ca “Những cánh đồng dưới lửa” nhận Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng 1999; Giải thưởng Văn học quốc tế Mekong 2006.

Văn Lê ở lĩnh vực nào cũng sáng tạo với tất cả niềm đam mê, nhiệt huyết và cảm thụ rất riêng. Với điện ảnh, ông đã nhiều lần nhận giải thưởng: 3 lần đạt giải thưởng kịch bản phim tài liệu xuất sắc nhất, 1 giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất, 1 giải Bông Sen Vàng, 5 Bông Sen Bạc, 2 Cánh Diều Vàng, 1 giải Galaxy của truyền hình Nhật Bản và nhiều giải thưởng cao quý về phim tài liệu của Hội Điện ảnh Việt Nam. Ông là đạo diễn các phim tài liệu “Họ đã hy sinh vì Tổ quốc” và “Người Raglây ở Phước Thắng”.

Trong vai trò biên kịch điện ảnh, tác phẩm để lại dấu ấn mãnh liệt nhất của ông là kịch bản “Long thành cầm giả ca” đoạt giải Nhất Cuộc thi viết “1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”, giải thưởng biên kịch xuất sắc của Liên hoan Phim Việt Nam. Và bộ phim “Long thành cầm giả ca” (do NSND Đào Bá Sơn làm đạo diễn) thắng giải tại Liên hoan phim Châu Á - Thái Bình Dương, dù có vẻ đạo diễn chưa chuyển tải hết ý đồ thâm sâu của tác giả kịch bản.

2. Nhà văn, nhà biên kịch Văn Lê, tên thật là Lê Chí Thụy, sinh năm1949 tại Ninh Bình, từng đi bộ đội, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Đất nước thống nhất, ông chuyển ngành sang Xưởng phim Tài liệu, để rồi khi chiến tranh biên giới xảy ra thì ông lại tái ngũ để cùng đồng đội làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia... Sau này ông về làm biên kịch của Hãng phim Giải Phóng (TPHCM).

Có lần, Văn Lê tâm sự, ông chỉ muốn viết được hết những gì mình trăn trở, để sau này vui vẻ ra đi mà không nặng lòng. Đã nhiều lần cận kề với cái chết, để rồi lại vượt lên ngoạn mục, lần này thì ông không chống được định mệnh. Nhưng Văn Lê ra đi mà không hề hối tiếc, bởi ông đã để lại một giọng điệu riêng, một tiếng nói riêng đầy cá tính trong văn học - điện ảnh nước nhà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn