MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm 2016, UBND TP.Đà Nẵng lựa chọn Voọc Chà vá chân nâu là hình ảnh nhận diện thành phố nhân sự kiện APEC 2017. Nguồn: DLĐN

Một Sơn Trà thu nhỏ giữa lòng Đà Nẵng

Nguyễn Linh LDO | 13/08/2022 06:58

Tại một góc nhỏ giữa lòng TP.Đà Nẵng, Trung tâm giáo dục thiên nhiên trải nghiệm Sơn Trà (70 Lý Tử Tấn, TP.Đà Nẵng) được xem như một Sơn Trà thu nhỏ giữa phố.

Kết nối con người và thiên nhiên

Từ 8h00 sáng, sinh viên các trường đại học trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã có mặt từ sớm để ngắm nhìn những hình ảnh chú Voọc Chà vá chân nâu tại Trung tâm giáo dục thiên nhiên trải nghiệm Sơn Trà (Trung tâm) với đôi mắt đầy háo hức.

Bạn Tống Khánh Ngân - sinh viên trường Greenwich Việt Nam cho biết đã nhiều lần nhìn thấy các chú khỉ ở ngoài đời thật và chụp hình với chúng nhưng đây là lần đầu tiên được trải nghiệm thực tế và tìm hiểu nhiều thông tin về loài Voọc Chà vá chân nâu quý hiếm ngay tại Đà Nẵng như thế này.

Voọc chà vá chân nâu là một trong những loài linh trưởng quý hiếm có giá trị bảo tồn toàn cầu. Năm 2016, UBND TP.Đà Nẵng lựa chọn Voọc Chà vá chân nâu là hình ảnh nhận diện thành phố nhân sự kiện APEC 2017. Tuy nhiên, trước quá trình hiện đại hóa của TP.Đà Nẵng, diện tích rừng tại Bán đảo Sơn Trà ngày càng thu hẹp, môi trường sống cũng như thức ăn của loài linh trưởng bị đe dọa. Trước thực tế đó, Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green viet) đã xây dựng Trung tâm giáo dục thiên nhiên trải nghiệm Sơn Trà tương tự một bảo tàng thu nhỏ để trưng bày các tranh ảnh cũng như tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế.

Mục đích của Trung tâm nhằm kết nối con người, đặc biệt là các bạn nhỏ với loài Voọc chà vá chân nâu tại Bán đảo Sơn Trà nói riêng và thiên nhiên nói chung, từ đó giáo dục các em, thế hệ trẻ về sự đa dạng sinh học của thành phố cũng như tình yêu thương, bảo vệ các loài vật hoang dã trong tự nhiên.

Được thành lập từ năm 2018, Trung tâm đã đưa hơn 2.000 học sinh, sinh viên và người dân đến tham quan học tập trực tiếp tại Sơn Trà; tổ chức các hoạt động giáo dục thiên nhiên cho hơn 15.000 học sinh trong thành phố Đà Nẵng thông qua các đợt triển lãm và các bài nói chuyện về đa dạng sinh học.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn liên kết với các trường học trên địa bàn thành phố để tổ chức các buổi thực tế như tìm hiểu về các loài chim tại Sơn Trà, Hoạt động tô màu cho Sơn Trà, làm mặt nạ Vọoc Chà vá chân nâu, nhận diện dấu chân của con vật trên nền cát thông qua các khuôn mẫu có sẵn… thu hút đông đảo các bạn nhỏ đến tham gia mỗi ngày.

Phương thức giáo dục học tập mới

Bán đảo Sơn Trà không chỉ là lá phổi xanh của cả Đà Nẵng, rừng Sơn Trà với hơn 4.000ha có khả năng hút khí C02, tái tạo oxy để cung cấp cho 4 triệu người hít thở. Ngoài ra, Sơn Trà còn như một báu vật với 985 loài thực vật, gần 300 loài động vật, phá Sơn Trà là nhẫn tâm phá đi nơi sống của từng ấy sinh mạng, sinh linh.

Ông Trần Hữu Vỹ - Giám đốc Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh - cho biết: “Khi học sinh được trực tiếp trải nghiệm thực tế tại Bán đảo Sơn Trà thì họ có thể nghe được, chạm được và thấy được một cách sống động những gì họ được nhìn thấy qua tranh ảnh, tivi…

Mặc dù Bán đảo Sơn Trà rất gần trung tâm thành phố, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu biết đầy đủ về Bán đảo Sơn Trà cũng như đủ điều kiện để tham quan Sơn Trà, đặc biệt là học sinh. Vì vậy chúng tôi đã thành lập nên trung tâm này với mục đích giáo dục cho học sinh, thanh thiếu niên về động thực vật, hệ sinh thái cũng như các loài động vật nguy cấp để từ đó, các mầm non tương lai có nhận thức đầy đủ về thảm động thực vật trong tự nhiên”.

Để có được những chuyến tham quan, trải nghiệm thực tế, du khách phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của trưởng đoàn để đảm bảo an toàn cho du khách và hệ sinh thái tại đây. Khoảng 14h00 chiều, các học sinh sẽ xuất phát ở trường và đến Trung tâm để được trang bị đầy đủ kiến thức cũng như các kỹ năng khi tham quan tại Bán đảo Sơn Trà.

Tại Hội thảo quốc tế bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững khu vực Miền Trung - Tây Nguyên đợt tháng 7 vừa qua, các chuyên gia đã nhận định khu vực có hệ đa dạng sinh thái trải dài, có cả hệ sinh thái trên núi cao dọc dãy Trường Sơn và hệ sinh thái biển. Đây là một trong những điểm tạo nên sự đa dạng của các hệ sinh thái cũng như các loài sinh vật ở khu vực Miền Trung - Tây Nguyên. 

“Trong bối cảnh hiện nay, do chịu ảnh hưởng rất lớn từ phát triển kinh tế, Việt Nam chúng ta có rất nhiều loài sinh vật, hệ sinh thái đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa, suy thoái. Đối với khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, hiện nay có rất nhiều trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học đã được tổ chức quốc tế công nhận. Đồng thời, khu vực Miền Trung - Tây Nguyên cũng là nơi mà các loài sinh vật mới được phát hiện cũng như là các loài nguy cấp quý hiếm hiện đang phân bố”, GS.TS Nguyễn Quảng Trường - Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam - cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn