MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sảy cói.

Mùa cói ở Quảng Xương

Trần Liên Chương LDO | 05/12/2019 08:30

Nằm ở vị trí giao thoa giữa hai đồng bằng Bắc Bộ và Trung bộ, Thanh Hóa là một trong 5 tỉnh có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước, với hơn 155 làng nghề; trong đó, có những làng nghề nổi tiếng lâu đời với những sản phẩm chất lượng, tạo được thương hiệu.

Thực tế cho thấy, các làng nghề không chỉ đóng góp đắc lực cho phát triển kinh tế địa phương mà còn góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống độc đáo của đất và người xứ Thanh. 

Thu hoạch cói tại xã Quảng Vọng, huyện Quảng Xương, Thanh Hoá. Ảnh: Trần Liên Chương 

Điển hình như nghề làm chiếu cói ở huyện Quảng Xương, đang được chính quyền và người dân nơi đây quyết tâm giữ nghề của ông cha để lại.

Nghề làm chiếu cói khá nhọc nhằn, bởi phải trải qua nhiều công đoạn vất vả, từ thu hoạch, phơi cói, đến xe lõi... và kỳ công nhất là khâu dệt chiếu. Với thợ lành nghề phải làm kiên trì liên tục hơn 10 tiếng đồng hồ mới được hai chiếc chiếu. Tuy vậy, thu nhập của người dệt chiếu lại không đáng là bao, đã có không ít hộ phải bỏ nghề để tìm kế mưu sinh mới.

Trước tình trạng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, với quyết tâm giữ nghề của ông cha để lại, nhiều xã của huyện Quảng Xương đã khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho những hộ có tâm huyết với nghề được vay vốn để đầu tư mua máy dệt chiếu. Kể từ khi có máy dệt chiếu, việc sản xuất được thực hiện theo dây chuyền, mỗi máy dệt chiếu một ngày có thể dệt được 15 lá chiếu, gấp 5 lần so với làm thủ công. Nhờ đó, nghề sản xuất chiếu ở Quảng Xương không những được giữ vững mà ngày càng phát triển.

Toàn huyện hiện có hơn 400 máy dệt chiếu và 968 hộ dệt chiếu thủ công, hàng năm sản xuất khoảng 3 triệu đôi chiếu các loại, giải quyết việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động địa phương.

 Cói sau khi được thu hoạch sẽ được chọn lọc kỹ lưỡng, loại bỏ những cọng khô, bé và phần rác xung quanh. Ảnh: Trần Liên Chương

 Công việc chẻ cói rất quan trọng. Bụi cói được cắt lên từ ruộng, qua bàn tay chăm chỉ, khéo léo của người nông dân, cói được chẻ đều, ép sơ từng cọng. Ảnh: Trần Liên Chương

 
Hạnh phúc bình dị bên công việc. Ảnh: Trần Liên Chương 
 
Cói được vận chuyển từ ruộng sâu lên bờ. Ảnh: Trần Liên Chương 
 vận chuyển cói về nhà bằng đường bộ...

 và bằng thuyền. Ảnh: Trần Liên Chương
Thiếu nữ trong mùa cói. Ảnh: Trần Liên Chương

 Sảy cói. Ảnh: Trần Liên Chương

Những năm qua, nghề dệt chiếu đóng vai trò không nhỏ trong phát triển kinh tế của Quảng Xương, đặc biệt là trên địa bàn 7 xã có vùng nguyên liệu cói, gồm: Quảng Phúc, Quảng Vọng, Quảng Ngọc, Quảng Trường, Quảng Văn, Quảng Long, Quảng Khê.

 Chiếu cói được đưa ra chợ từ sáng sớm. Ảnh: Trần Liên Chương
 

Nhiếp ảnh gia Trần Liên Chương vốn là thầy giáo dạy toán. Nhưng với chất nghệ sĩ, tình yêu quê hương sâu đậm, ông đã đi khắp mọi miền trên mảnh đất Thanh Hoá yêu dấu của mình. Quê ông ở huyện Quảng Xương - nơi vùng chiêm trũng nên những bức ảnh mùa cói của ông lại càng thấm đậm ân tình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn