MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mục tiêu của điện ảnh phải là phục vụ nhân dân, giữ gìn Tổ quốc bền vững

Mỹ Linh LDO | 25/10/2021 08:56

Dự thảo Luật Điện ảnh “sửa đổi” lần này được trình Quốc hội nhận được sự quan tâm lớn của người trong ngành cũng như cử tri cả nước.

Lý do đầu tiên là sau 14 năm thực hiện, Luật Điện ảnh đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập cần sớm được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, một số quy định của Luật Điện ảnh hiện hành không còn phù hợp hoặc đã bị bãi bỏ hoặc được quy định tại luật chuyên ngành khác như quy định “Doanh nghiệp phát hành phim, doanh nghiệp khác có đăng ký kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim để tham gia phổ biến phim”. Việc này dẫn đến một số công ty phát hành phim sở hữu hệ thống nhiều cụm rạp đã chi phối thị trường chiếu phim, hạn chế việc nhập khẩu phim của các công ty phát hành phim không có rạp chiếu phim.

Một số hành vi vi phạm về sản xuất, phát hành, phổ biến phim, lưu trữ phim, nhân bản không còn phù hợp với tình hình thực tiễn và đã được điều chỉnh cụ thể bằng các văn bản quy phạm pháp luật khác. Ngoài ra, do những quy định khác chặt chẽ, điện ảnh thiếu cơ hội cất cánh và chưa trở thành một nền “công nghiệp điện ảnh” như kỳ vọng.

Bởi thế, tại cuộc họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội hồi tháng 9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã cho rằng: “Cần phải sửa đổi toàn diện, nhìn nhận điện ảnh không chỉ dưới tác phẩm văn học nghệ thuật mà còn ở sản phẩm dịch vụ có tính văn hóa rất cao, như một ngành kinh tế, một ngành công nghiệp”. Trong đó có hai điểm mấu chốt. Đó là, phải điều chỉnh các hoạt động điện ảnh trong môi trường công nghệ số để khuyến khích điện ảnh phát triển nhanh. Cần tạo được hành lang pháp lý để phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam.

Tại phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, về Luật Điện ảnh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực này. Chủ tịch nước nhấn mạnh, công nghiệp điện ảnh có vị trí rất quan trọng trong sự phát triển đất nước, nhiều nước đi từ công nghiệp điện ảnh mà quảng bá hình ảnh quốc gia.

Nhấn mạnh vai trò của điện ảnh đến sự phát triển đất nước là rất lớn, “văn hoá soi đường quốc dân đi”, Chủ tịch nước đặt ra yêu cầu, điện ảnh là một loại hình văn hoá nghệ thuật phải làm được vai trò nhiệm vụ đó.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề: “Tại sao Việt Nam phải chiếu quá nhiều phim của nước ngoài. Tất nhiên hội nhập thì không thể không có phim nước ngoài nhưng không phải quá nhiều như vậy. Trong khi chúng ta có thể xây dựng nên văn hoá dân tộc thông qua điện ảnh từ lịch sử kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, văn hoá vật thể phi vật thể…”, Chủ tịch nước nói và khẳng định những tác phẩm về truyền thống lịch sử dân tộc giúp chúng ta yêu nước hơn.

Chủ tịch nước cũng yêu cầu Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần góp phần để tạo ra nhiều tác phẩm tốt, phục vụ nhân dân, giữ gìn Tổ quốc bền vững. Nhấn mạnh ý này, Chủ tịch nước đánh giá: “Vừa rồi, nhiều bộ phim không tốt đã xuất hiện. Những bộ phim được công chiếu cho thấy vai trò của công an, quân đội, của toà án, viện kiểm sát mờ nhạt đi. Tuy kết thúc có hậu nhưng mấy chục tập phim chỉ toàn thấy cái xấu” - Chủ tịch nước nói và yêu cầu phim ảnh phải có cơ cấu, bố cục phù hợp, không để cái ác, cái xấu xâm nhập vào xã hội thông qua các bộ phim.

Sẽ có rất nhiều việc phải làm để rộng cửa cho điện ảnh, để điện ảnh trở thành một “ngành công nghiệp” như điện ảnh Hàn Quốc đang có nhưng cũng sẽ là thách thức khi điện ảnh phải giữ vững vị thế và vai trò quảng bá hình ảnh đất nước, không đi quá đà vào thị hiếu tầm thường của người xem.

Dù thế nào thì mục tiêu của điện ảnh phải là phục vụ nhân dân, giữ gìn Tổ quốc bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn