MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mukhalinga Ba Thê vừa được công nhận Bảo vật quốc gia có gì đặc biệt?

Hồ Thị Hồng Chi (Giám đốc Bảo tàng tỉnh An Giang) LDO | 01/02/2023 07:58

Mukhalinga Ba Thê hay còn gọi là Ekamukhalinga Ba Thê, vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia (đợt 11), là loại hình vật thờ rất đặc thù và chứa nhiều độc đáo về giá trị văn hoá, lịch sử, khoa học và nghệ thuật… so với những hiện vật cùng loại thuộc văn hóa Óc Eo được phát hiện ở đồng bằng sông Mê Kông.

Vật thờ độc đáo

Được phát hiện năm 1986 tại xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn (An Giang), sau đó đưa về Bảo tàng tỉnh An Giang lưu giữ đến nay.

Hiện vật cao 91cm, nặng 90kg có chất liệu chính là sa thạch hạt mịn màu xám đen, bề mặt có lớp patin màu xám ghi sáng, có niên đại thế kỷ VI, được xác định là hiện vật vô cùng quý.

Khu di tích văn hoá Óc Eo - Ba Thê (Thoại Sơn - An Giang). Ảnh: Lục Tùng

Không chỉ có nhiều khác biệt về kích thước, kỹ thuật chế tác để tạo ra sự độc bản, thể hiện tính độc đáo về giá trị văn hoá, giá trị lịch sử, khoa học và nghệ thuật… mà còn là một cứ liệu quý gắn liền với một trong những thời kỳ phát triển rực rỡ trong lịch sử vùng đất Nam Bộ vào những thế kỷ đầu Công nguyên.

Trước hết, đây là một sản phẩm tạo hình điêu khắc hoàn thiện, độc đáo. Không chỉ thể hiện ở chỗ có tỷ lệ kích thước khác biệt so với nhóm hiện vật cùng loại,  với các đoạn cấu thành dài hơn so với chiều rộng, tạo cho linga có dáng dài hơn so với 14 hiện vật Mukhalinga thuộc văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ được phát hiện ở các tỉnh An Giang, Tiền Giang, Long An và Tây Ninh, mà còn là một trong những đại diện tiêu biểu cho tác động mạnh mẽ của văn minh Ấn Độ ảnh hưởng đến văn hóa - cư dân Óc Eo.

Mặt khác, Mukhalinga Ba Thê vừa là hiện vật tiêu biểu cho loại hình linga có cấu trúc 3 phần theo quy chuẩn cao của Ấn Độ giáo, song vẫn mang phong cách thể hiện đơn giản của nhóm linga hiện thực.

Trong phạm vi Nam Bộ nói riêng, Việt Nam nói chung, đây là hiện vật duy nhất thể hiện tính chất chuyển tiếp giữa 2 giai đoạn phát triển nghệ thuật tạo hình, là gạch nối quan trọng trong chuỗi phát triển lâu dài và đa dạng với những thay đổi về mặt loại hình, kiểu dáng, phong cách nghệ thuật từ sớm đến muộn của loại hình linga trong văn hóa Óc Eo.

Bảo vật quốc gia Mukhalinga Ba Thê hay còn gọi là Ekamukhalinga Ba Thê, nhìn tổng thể. Ảnh: Bảo tàng tỉnh An Giang

Văn hóa thể hiện là sự độc đáo nổi bật của hiện vật. Điển hình là phần phù điêu thần Shiva trên hiện vật, có khuôn mặt tròn đầy đặn mang đặc điểm đặc trưng nhân chủng của cư dân bản địa là biểu thị cụ thể cho sự dung hợp văn hóa bản địa và ngoại sinh. Đó còn là một trong những biểu thị cho kết quả của quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa được biết đến đã diễn ra mạnh mẽ trong văn hóa Óc Eo.

Tư liệu khoa học quý hiếm

Mặt khác, Mukhalinga Ba Thê là di vật lịch sử tiêu biểu duy nhất trong văn hóa Óc Eo thể hiện sự chuyển biến về mặt phong cách nghệ thuật tạo hình trong nhóm loại hình linga, là gạch nối liên kết giữa linga 2 phần hiện thực với nhóm hiện vật linga – mukhalinga có cấu trúc 3 phần đều nhau. Đây cũng là hiện vật có niên đại sớm nhất đối với điêu khắc thể hiện biểu tượng “mukha” trong văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ.

Phù điêu thần Shiva trên hiện vật với khuôn mặt tròn đầy đặn là biểu thị cụ thể cho sự dung hợp văn hóa bản địa và ngoại sinh. Ảnh: Bảo tàng tỉnh An Giang

Nội dung tôn giáo và hình mẫu thể hiện mang đậm nét ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ trên Mukhalinga Ba Thê phản ánh mối quan hệ lịch sử trao đổi văn hóa diễn ra trong thời gian dài và mạnh mẽ giữa văn hóa Óc Eo và nền văn hóa Ấn Độ.  

Vì thế, hiện vật Mukhalinga Ba Thê còn là tư liệu lịch sử quý hiếm về quá trình giao lưu văn hóa, mà còn phản ánh thành tựu văn hóa - lịch sử của cư dân Nam Bộ trong quá trình khai phá và phát triển vùng đất.

Về giá trị khoa học – nghệ thuật, Mukhalinga Ba Thê là một đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc tôn giáo của văn hóa Óc Eo – Ba Thê nói riêng và văn hóa Óc Eo nói chung. Đây cũng là sản phẩm của quá trình hội tụ các thành tố ngoại sinh và nội sinh, từ kỹ thuật chế tác đá, nghệ thuật tạo hình đến triết lý tôn giáo.

Mukhalinga Ba Thê nhìn từ trên xuống. Ảnh: Bảo tàng tỉnh An Giang.

Hiện vật là sản phẩm quan trọng của quá trình trao đổi, tiếp xúc giữa văn hóa bản địa và các yếu tố văn hóa ngoại nhập, góp phần làm rõ nét hơn cho diện mạo khu di tích Óc Eo - Ba Thê vốn được nhận thức là một trung tâm dân cư - kinh tế - văn hóa phát triển rực rỡ trong thời kỳ văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam.

Đặc điểm thể hiện trên hiện vật không chỉ đáp ứng đầy đủ quy chuẩn chặt chẽ theo ảnh hưởng tôn giáo từ Ấn Độ, mà còn thể hiện sự dung hợp với các yếu tố bản địa qua đặc điểm nét nhân chủng trên khuôn mặt thần Shiva cùng vật liệu và việc chế tác tại chỗ. Vì thế Mukhalinga Ba Thê được xem là tư liệu khoa học để nhiều ngành có thể tiếp cận nghiên cứu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn