MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trà sẽ ngon hơn khi người pha thực hiện việc pha trà trang trọng như một "nghi lễ". Ảnh: Thanh Tùng.

Mùng 1 Tết, "khách đến nhà không trà thì rượu"

L.V LDO | 25/01/2020 18:27

“Khách đến nhà không trà thì rượu”, sau vài chén rượu hay tách trà, mọi e dè giữa chủ và khách dần được trút bỏ. Khi luật cấm lái xe sau khi uống rượu, thì trà là tiệc giao bôi gần gũi, đầm ấm nhất trong những ngày đầu năm mới.

Thường nhật, chúng ta bận đi làm, thời gian không nhiều nên việc uống trà nhiều khi vội vàng, thậm chí sơ sài. Nhưng trong ngày Tết, đặc biệt là trong chiều mùng 1 Tết tiết trời se se lạnh, thì bàn trà sẽ là nơi mang lại nhiều nụ cười ấm áp nhất cho bạn  bè, người thân, khi mọi người tạm gác lại những lo toan thường nhật.

Với nhiều người, uống trà không chỉ đơn thuần là giải khát, mà còn là thú vui tao nhã thưởng thức hương vị thơm, ngọt, chát, nồng của sản vật Việt Nam.

Cách thưởng trà truyền thống của người Việt không cầu kỳ như Trà Đạo Nhật Bản, không phức tạp như nghệ thuật Trà Kinh của Trung Quốc và cũng không chỉ mang tính giải khát như trà phương Tây. Trà Việt giản dị, đơn sơ nhưng cũng đủ tinh tế để mang đến sự thanh tịnh, an nhiên của cho người thưởng thức.

“Trà đạo” của người Việt không quá cầu kỳ, nhưng khá tinh tế. Ảnh: Thanh Tùng
Để có được một tiệc trà ngon, ngoài việc chọn trà, thì bộ ấm chén cũng rất quan trọng. Trong đó, những bộ ấm chén từ đất nung, men sứ, được tráng rửa sạch sẽ, khô ráo bày trên những chiếc khay cũng sạch sẽ và khô ráo thật bắt mắt. 

Theo các chuyên gia về trà, ngoài trà ngon, ấm sạch, nước pha trà ngon sẽ làm sống động hương thơm, vị ngọt ẩn trong mỗi lá trà. Nước pha trà ngon, trước hết phải là nước sạch, đạt một số tiêu chuẩn như: Nước mềm, mát, màu sắc trong suốt, không vẩn, không mùi, vị tươi mát, ngọt ngào…

Khi đã có trà và các “đạo cụ” rồi, thì người pha trà sẽ đóng vai trò là “nhạc trưởng” để tiệc trà cất lên những âm thanh của mùi vị.

Người pha trà – trà nhân, sẽ thực hiện “nghi lễ” pha trà thật chậm rãi, thong dong, từ khâu tráng ấm, bốc trà, châm nước, tráng trà… cho đến khi trà được rót ra sánh vàng trong chén, để người thân, bạn hữu có thể nâng chén trà lên ngang cằm bằng cả hai tay, để cảm nhận hương trà phả ra nồng đượm, ấm cả không gian ngày Tết, mang lại cho người thưởng thức cảm giác khoan khoái, dễ chịu vô cùng.

Trà không chỉ để uống, mà còn để thưởng thức. (Ảnh minh họa)
Vậy nên,  ngày Tết, chúng ta không "uống trà". Chúng ta "thưởng trà".

Trà là một loại thảo dược thiên nhiên có nhiều ích lợi với sức khỏe của con người. Theo những nghiên cứu mới đây, trà có chứa các chất chống oxy hóa giúp hạn chế quá trình lão hóa, chống xơ vữa động mạch, ngăn ngừa bệnh ung thư, tác dụng giải độc… Trong trà Việt, có sáu loại hoa bắt hương nhất thường được dùng để ướp trà là: nhài, cúc, ngâu, sói, mộc và sen. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn