MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

MV tiền tỉ và nghịch lý trong dòng tiền chảy trên không gian nhạc số

Mi Lan LDO | 13/11/2021 06:39
Một quản lý cho ca sĩ (xin được giấu tên) chia sẻ với Lao Động về câu chuyện kiếm tiền trên không gian nhạc số của các ca sĩ hiện nay.

Nghệ sĩ hay lơ là, nên dễ bị qua mặt

Quản lý của một ca sĩ cho biết, sau thời gian tìm hiểu, anh đã tư vấn cho nam ca sĩ do mình quản lý ký hợp đồng với một đại lý của YouTube và ăn chia tiền doanh thu, quảng cáo với đại lý này theo tỉ lệ 50-50, hoặc 40-60 (tùy vào độ hot của MV).

Có 2 cách đang thịnh hành hiện nay với những ca sĩ, nhạc sĩ quan tâm đến thị trường nhạc số: Đó là, hoặc tự đứng ra lập kênh riêng, làm việc trực tiếp với nền tảng nhạc số như YouTube, hoặc thông qua các đại lý của YouTube như BH Media, Pops... và ăn chia phần trăm doanh thu.

Tuy nhiên, theo nhận định của người làm công việc quản lý cho ca sĩ, nhiều nghệ sĩ Việt hiện vẫn lơ là, không để ý đến sự phát triển nhanh chóng và vượt bậc của thị trường nhạc số. Chính bởi không để ý, thậm chí không biết, nên câu chuyện bản quyền trên không gian nhạc số mới đang diễn ra phức tạp giữa nhiều bên liên quan và sẽ còn tranh cãi không hồi kết.

Nhiều nghệ sĩ đầu tư tiền tỉ vào MV, nhưng chỉ là cách họ tiếp cận khán giả trên không gian nhạc số, chứ không phải để kiếm tiền từ các nền tảng như YouTube.

Khoảng 10 năm trước, thị trường âm nhạc phát triển nhộn nhịp dưới hình thức phát hành CD, album nhạc (các bản ghi vật lý). Các ca sĩ chuyên tâm phát triển cách thức này. Họ bỏ tiền đầu tư phát hành các CD, sau khi có được các bản hit (ca khúc được nghe nhiều), ca sĩ sẽ xin tài trợ để lên kịch bản tổ chức liveshow.

Tuy nhiên, hầu hết liveshow đều thua lỗ, việc phát hành CD, album nhạc theo nhiều ca sĩ cũng chỉ dừng lại ở mức “làm cho vui”, “làm album để giữ làm kỷ niệm”, “phát hành album, tổ chức liveshow để đánh dấu bước ngoặt trong nghề”...

Thêm tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các show diễn ca nhạc đóng băng, việc tổ chức liveshow, ra CD ngày càng “bất khả thi”, thị trường nhạc số trở thành xu hướng mới.

Những cuộc đua “cày view” cho các MV trên không gian nhạc số trở nên sôi động trong nhiều năm trở lại đây. Nhiều ca sĩ không tiếc tiền đầu tư cho MV. Nhiều MV hàng tỉ đồng được tung lên mạng có thể kể đến như: Hãy trao cho anh (Sơn Tùng MTP), Truyền thái y (Ngô Kiến Huy), Sao anh chưa về nhà (AMEE)... biến cuộc đua “triệu view” trở nên gay cấn hơn bao giờ hết.

Vụ kiện tụng giữa các bên BH Media, nghệ sĩ và các hãng băng đĩa vẫn đang gây tranh cãi. Ảnh: MV

Tuy nhiên, không phải ca sĩ, nhạc sĩ nào cũng để ý đến môi trường nhạc số đang hưng thịnh này. Bởi theo quản lý của ca sĩ nọ phân tích, “đưa MV ca nhạc lên không gian nhạc số, thực sự, số tiền thu được không đáng kể.

Đó chỉ là phương cách các ca sĩ, nhạc sĩ muốn phổ biến âm nhạc của mình, muốn đến gần hơn với khán giả theo xu hướng nghe nhạc mới mà thôi”.

Nghịch lý của dòng tiền

Quản lý của ca sĩ cho biết, “số tiền thu được từ YouTube quả thực không đáng kể. Số tiền này còn phụ thuộc vào độ hot (viral) của ca khúc. Nên đôi khi, một ca sĩ hát đám cưới có một bản hit được nhiều người nghe sẽ thu được số tiền nhiều hơn một ca sĩ nổi tiếng. Để MV đạt được số view có thể thu được tiền của YouTube không hề đơn giản”.

Cũng theo phân tích từ anh quản lý, “việc nhạc sĩ Giáng Son đang phản ứng trước vụ việc về bản quyền liên quan đến BH Media, tôi nghĩ không phải vì tiền. Chị Giáng Son chỉ đơn giản đang muốn đòi lại bản quyền của ca khúc do chị sáng tác”.

Trong câu chuyện kiện tụng chưa có hồi kết giữa BH Media, Hồ Gươm Audio và các nghệ sĩ, người làm công việc quản lý cho ca sĩ cũng cho rằng: “Trách nhiệm của BH Media là mua các bản ghi âm chưa có quyền tác giả. Trách nhiệm của Hồ Gươm Media kinh doanh, bán các bản ghi âm. Nhưng trách nhiệm của nghệ sĩ là đã lơ là, chưa hiểu luật trong việc ký kết với các hãng băng đĩa và chưa thấy được xu hướng phát triển trên môi trường nhạc số”  - anh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn