MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đại biểu trong phiên khai mạc hội thảo. Ảnh: PV.

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam: Để truyền thông hữu hiệu cần truyền tải được sự chân thành

Thanh Hà LDO | 08/11/2018 10:51
Theo Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, để truyền thông một cách hữu hiệu cần tạo ra sự tiếp xúc trực tiếp giữa người nói, người nghe, nhằm truyền tải sự chân thành đến với người nghe.

Hội thảo khoa học quốc tế: “Truyền thông chính sách và năng lực tiếp nhận của công chúng” diễn ra sáng 8.11 tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội với sự tham dự của các chuyên gia Việt Nam và Hàn Quốc trong các lĩnh vực hoạch định, truyền thông và giảng dạy chính sách. Hội thảo nhằm tìm kiếm những sáng kiến, giải pháp để gắn kết người dân trong quá trình chính sách, từ đó nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách.

Hội thảo gồm 2 phiên với 10 tham luận của các chuyên gia Việt Nam và Hàn Quốc. Trong phiên 1 tập trung vào kinh nghiệm của Việt Nam và Hàn Quốc trong truyền thông chính sách lấy công chúng làm trung tâm. Phiên 2 của hội thảo tập trung vào các giải pháp và sáng kiến nhằm tăng cường sự tham gia của công chúng trong quá trình chính sách.

Phát biểu tại phiên khai mạc hội thảo, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa – Tổng biên tập báo Đại biểu Nhân dân khẳng định, truyền thông chính sách là cần thiết, cấp thiết đối với xã hội, trọng tâm chính yếu trong xây dựng thực thi chính sách. Trong bối cảnh hiện nay, việc tham gia truyền thông trên mạng xã hội cần đưa mạng xã hội trở thành phương tiện truyền thông chính sách hữu hiệu, không để kẻ xấu lợi dụng…

“Để truyền thông một cách hữu ích cần tạo ra sự tiếp xúc trực tiếp giữa người nói, người nghe, truyền tải sự chân thành của chúng ta đến với người nghe. Mục đích cuối cùng của chúng ta trong việc xây dựng chính sách chính là người dân. Do đó, để người dân hiểu được lợi ích của chính sách rất quan trọng” - Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do-hyon nói.

Theo Đại sứ, Hàn Quốc là mô hình rất phù hợp để Việt Nam tham khảo trong quá trình truyền thông chính sách đồng thời nhấn mạnh đây là hoạt động hợp tác có ý nghĩa thiết thực và tạo ra lợi ích cho cả hai nước.

Tại hội thảo, PGS.TS Trương Ngọc Nam – Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, vai trò trung tâm của công chúng trong quá trình chính sách thể hiện không chỉ ở việc công chúng là đối tượng của chính sách mà còn là người tham gia vào quá trình chính sách, phản hồi về các lựa chọn chính sách và đánh giá tác động của chính sách. Để làm được điều này cần có các mô hình và giải pháp tiếp nhận, phân tích phản hồi cả công chúng như mô hình chính phủ điện tử hay các mô hình truyền thông ứng dụng công nghệ khác.

Trao đổi tại hội thảo, nhiều ý kiến của các đại biểu tập trung vào điều kiện tiếp nhận chính sách của công chúng hiện nay. Trong đó, minh bạch hóa thông tin là điều kiện cơ bản để người dân thực hiện “quyền được biết” của mình. Chỉ khi người dân tiếp cận được những thông tin đầy đủ và chính xác, họ mới có thể thực hiện “quyền được bàn”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn