MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Năm Giáp Thìn, chiêm ngưỡng chiếc bình tích Long vương hơn cả độc lạ

Thanh Mai LDO | 11/02/2024 06:00

Sẽ rất lý thú khi đầu năm Giáp Thìn chiêm ngưỡng chiếc bình tích chủ đề Long Vương được xem là hơn cả độc lạ của dòng gốm Nam bộ xưa.

Bình tích là danh xưng của người Nam bộ xưa gọi tên chiếc ấm được dùng uống trà. Danh xưng này từng một thời thịnh hành đến mức không chỉ phổ biến trong lời ăn tiếng nói hang ngày, mà còn đi vào văn chương, ca dao…

Ngó lại đằng trước thấy bình tích nước;

Ngó lại đằng sau thấy bộ kỷ trà;

Anh thấy em có một mẹ già,

Muốn vô phụng dưỡng biết là đặng không”

(Ca dao Nam bộ)

Với việc được bố trí trang trọng tại trưng bày chuyên đề “Hình tượng rồng trong nghệ thuật trang trí truyền thống Việt Nam” do Bảo tàng tỉnh An Giang tổ chức dịp Tết Giáp Thìn đã nói lên vị thế độc lạ của chiếc bình tích Long vương. Ảnh: Thanh Mai

Do nhiều lý do lịch sử nên chiếc bình tích ở Nam bộ gắn liền với sản phẩm gốm, nhất là gốm Lái Thiêu - dòng gốm có thế mạnh về sản phẩm gia dụng. Và chiếc bình tích với hình vẽ màu chủ đề Đông hải Long vương (gọi tắt là Long Vương) hiện do nhà sưu tập Đỗ Quyên - Chủ tịch Hội Cổ vật tỉnh An Giang sở hữu, là trường hợp như thế. Bình có chiều cao 37cm được xem là kích cỡ lớn đặc biệt lớn đối với đề tài thể hiện điển xưa, tích cũ như trường hợp này.

Cận cảnh chiếc bình tích chủ đề Long vương. Ảnh: Thanh Mai

Bình được các nghệ sĩ dân gian vẽ hình ảnh vị Long vương quyền lực nơi Biển Đông với binh tôm, tướng cá, quân sư rùa… tất cả được vẽ kín thân nên dễ tạo ấn tượng, thu hút sự chú ý người xem ngay từ phía xa… Đặc biệt là nét vẽ rất chi tiết và sống động trong từng đường nét và sự tinh tế trong việc phối, kết hợp màu sắc, bố trí hình khối trong không gian cong-tròn của chiếc bình… đã tạo cho tác phẩm nét thần thái.

Nhà sưu tập Đỗ Quyên và chiếc bình tích chủ đề Long vương. Ảnh: Thanh Mai

Nhưng đặc biệt nhất, có lẽ là những dòng minh văn (văn tự rõ ràng, có thể theo đó mà làm). Theo nhiều nhà sưu tầm, có thể đây là chiếc bình tích gốm có minh văn được thể hiện ở nhiều vị trí nhất trong số sản phẩm gốm Nam bộ xưa mà giới sưu tầm đang hiện có. Minh văn được thể hiện dưới dạng chữ Nho tại nhiều vị trí của chiếc bình tích.

Bài thơ Thất ngôn tứ tuyệt chủ đề Long vương. Ảnh: Thanh Mai

Theo quan sát của chúng tôi, minh văn được thể hiện bằng chữ Nho tại 3 vị trí thân, đáy và nắp bình tích. Cụ thể trên thân chiếc bình tích là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt. Bài thơ được viết với nét bút mạnh, đường nét sắc của người có nhiều năm rèn luyện bút lông.

Phiên âm:

Đông hải Long Vương thường tại thế,

Đắc thời hưu tiếu thất thời nhân,

Đại gia nhẫn nại tùy thời quá,

Tri tha thùy thị bách niên nhân.

Dịch nghĩa:

Đông hải Long vương thường ở trên đời,

Người được thời xin đừng cười kẻ thất thời,

Mọi người nhẫn nại tùy thời bước,

Biết đâu được ai là người của trăm năm.

(TS Nguyễn Thanh Phong, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM)

Minh văn dưới nắp bình tích. Ảnh: Thanh Mai

Bên dưới nắp bình tích có 8 chữ Nho thể hiện địa chỉ sản xuất: Thổ Long Mộc, Phú Cường thôn, ấp Chánh (Ấp Chánh, thôn Phú Cường, Thổ Long Mộc – tức Thủ Dầu Một). Riêng phần dưới đáy bình có 13 chữ Nho: Mậu Tí niên, thập nhất nguyệt, nhập thất nhật, Phúc Hiệp Hưng tác (Ngày 27 tháng 11 năm Mậu Tý (1948), Phước Hiệp Hưng chế tác, giá 30 đồng).

Minh văn phần ngoài đáy bình tích. Ảnh: Thanh Mai

Theo nhiều nhà nghiên cứu gốm Nam bộ xưa, bên cạnh tuổi đời gần 80 năm, những nét minh văn đặc biệt này đã góp phần đưa chiếc bình tích vượt khỏi giới hạn của sự độc lạ, trở thành cứ liệu quan trọng để tìm hiểu về lịch sử, giá kinh doanh của làng nghề và nét sinh hoạt văn hóa của người Nam bộ cách đây khoảng thế kỷ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn