MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tác phẩm “chân dung tự họa” của Đặng Tú Thư.

Năm người đàn bà vẽ

Việt Văn LDO | 26/04/2022 15:23

“Lacameo” là tên  triển lãm của 5 họa sĩ nữ, đồng lứa nhưng không đồng niên thuộc thế hệ cuối 7x, đầu 8x đang diễn ra và sẽ kéo dài đến hết ngày 29.4.2022 tại Art Space, 42 Yết Kiêu (Hà Nội).

Nhà phê bình mỹ thuật Vũ Lâm cho biết: “Đáng lẽ cuộc gặp gỡ triển lãm này của họ diễn ra từ hơn 2 năm trước, nhưng buồn thay, một bạn đã được Giời gọi lên Trời sớm, là bạn Đặng Tú Thư (1978 - 2020).

Vậy nên, cuộc gặp gỡ này, vừa là tranh đầy đủ của 5 nữ họa sĩ hội ngộ, với hơn 50 tác phẩm hội họa, vừa là việc tưởng niệm Đặng Tú Thư bằng nghệ thuật để gửi đến người xem, của bốn nữ họa sĩ: Phan Minh Bạch (1979), Nguyễn Mai Loan (1979), Nguyễn Thu Hương (1979), Ngô Bình Nhi   (1981)”.

Bước chân vào phòng tranh, người xem cảm nhận rõ 5 người đàn bà với những cách thể hiện, sáng tạo khác nhau nhưng tất cả đều chọn hội họa là lẽ sống cuộc đời.

Nữ họa sĩ Đặng Tú Thư với những bức chân dung bằng sơn dầu, tiêu đề giản dị, “chân dung Huệ”, “chân dung Tú Khôi”, “chân dung học trò”… kích cỡ 50x70cm đến 60x90cm và đặc biệt là hai bức “chân dung mẹ” được vẽ trong khoảng thời gian cách nhau hai năm. Nếu “chân dung mẹ” năm 2015 là một người đàn bà tươi cười, ánh lên niềm vui muốn chia sẻ với người đối thoại thì bức “chân dung mẹ” năm 2017 lại là một người đàn bà nghiêm nghị với nhiều nét trầm tư mang dấu vết của thời gian.

Cũng năm 2017, Đặng Tú Thư vẽ bức “chân dung tự họa” - một cô gái trẻ trung đeo kính với ánh mắt  thật buồn như dự cảm về một điều gì đó sẽ xảy ra trong tương lai.

Ngoài sơn dầu, Đặng Tú Thư còn có một số tác phẩm khắc kẽm như “Vọng biển” (1) và “Cái bóng”… tuy nhiên người xem có cảm giác tạng Thư hợp với sơn dầu hơn.

Nguyễn Thu Hương thể hiện ý tưởng trên nền lụa - một chất liệu hội họa độc đáo với “Mộng mị”, “Phía bên trong”, “Vẫn là cô ấy”… khoe được vẻ đẹp thiên phú của người phụ nữ nhưng ẩn dấu bên trong là những câu hỏi giằng xé, day dứt trong nội tâm để tìm hiểu xem chính mình và những người xung quanh mình là ai trong thế giới này. Chính vì thế nhân dạng của những cô gái trong tranh của Thu Hương hầu như không có một định dạng rõ ràng trên gương mặt; hoặc nếu có là một dị bản khác do cô ấy tạo ra để đối phó với xã hội.

Nguyễn Mai Loan thể hiện “Mùa hoa” 1 đến “Mùa hoa 5” là những cuộc đối thoại của con người với thiên nhiên mà qua đó thể hiện sự kết nối và hòa hợp. Bên cạnh 5 bức sơn mài kể trên, Loan còn trình làng 5 tác phẩm bằng chất liệu Acrylic về “Ngũ hành” mang tính trừu tượng, tuy nhiên ấn tượng chị tạo ra chưa thật mạnh mẽ.

Phan Minh Bạch tận dụng sức mạnh của lụa với vẻ đẹp bí ẩn để tạo nên những series tác phẩm như “Ẩn hiện” và “Ảo ảnh” gợi lên những câu hỏi về thân phận của người phu nữ.

Minh Bạch muốn tạo ra chất đương đại trong tác phẩm với một chất liệu truyền thống - một thách thức với chính chị và với nhiều họa sĩ chọn lụa là chất liệu ưa thích.

Bình Nhi - một cái tên đã khá quen thuộc, tung hứng với chất liệu Acrylic để tạo ra những “Mênh mông mây trời”, “Phía tây của bầu trời”, “Giấc mơ”… mang chất trừu tượng dẫn dụ người xem vào cuộc chơi của hình và sắc.

5 người đàn bà kể những câu chuyện của đàn bà qua tranh - dĩ nhiên thẳm sâu đó có lẽ cũng là câu chuyện của họ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn