MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Huy chương Bạc “Cú bật cao trên thanh gỗ” của Phạm Thị Mỹ Hạnh. Nguồn ảnh: Vapa

Nên cải tổ sâu rộng các cuộc thi ảnh

Việt Văn LDO | 19/09/2020 15:21

Thẩm định ảnh chưa bao giờ là dễ vì trong lĩnh vực nghệ thuật, nhiều khi bị chi phối bởi con mắt cảm tính nhiều hơn. Tuy nhiên nói vậy không có nghĩa là chọn sao tùy thích, rồi lấy câu “ban giám khảo nào thì kết quả nấy” để biện minh. Vừa qua, dư luận xôn xao và phản ứng với các bức ảnh đoạt giải và chọn treo tại triển lãm ảnh liên hoan khu vực Hà Nội 2020.

Khó tránh cảm tính

Vì nhiều ảnh chất lượng kém và chưa “sạch nước cản” về mặt kỹ thuật. Trên các diễn đàn mạng của giới ảnh, nhiều người “ném đá” dữ dội vì cho rằng những ảnh đoạt giải và triển lãm chưa xứng đáng với tầm vóc chất lượng cuộc thi. Liên hoan không trao Huy chương Vàng, hai Huy chương Bạc đều bị chê. “Cú bật cao trên thanh gỗ” góc chụp rất dở để thanh sào tre trong ảnh cắt ngang cổ nhân vật. Tác phẩm Huy chương Đồng “Đến với âm nhạc dân gian truyền thống Việt Nam” thì góc chụp ngả nghiêng, nghệ nhân dáng cứng đờ và khách Tây học chơi đàn thì đi cả giày khoanh tròn trong chiếu.

Vấn đề là đây không phải lần đầu tiên giải ảnh nghệ thuật Hà Nội bị chê bai tơi bời. Năm ngoái, bức ảnh giải Nhất đã bị phê phán vì hình ảnh không đẹp, hai nhân vật đang buộc và chở đào, mắt mũi lờ đờ gần như nhắm, nhìn chả thấy sinh khí cũng chả sắc xuân gì cả. Liên hoan ảnh khu vực Hà Nội kinh phí hoàn toàn do ngân sách Nhà nước.

Các bức ảnh đoạt giải thường là “hình mẫu” để khá nhiều tay máy trẻ bắt chước theo gửi các kỳ cuộc sau, vì thế nếu chọn không chuẩn sẽ để lại nhiều ấn tượng không tốt và hệ lụy kéo theo.

Dĩ nhiên để có một liên hoan chất lượng thì phải phụ thuộc vào đầu vào, bởi “có bột mới gột nên hồ”. Liệu trong số ảnh gửi đến đã có những ảnh thực sự tốt chưa, gây ấn tượng mạnh cả về ý tưởng cũng như tạo hình, bố cục chưa? Hay vẫn chỉ là những góc chụp cũ kỹ đẹp nhưng không mới, hay sự hời hợt trong cái nhìn hiện thực, sự vồ chộp cầu may với các bức ảnh phong cảnh mà thiếu một tư duy sáng tạo, cởi mở, một tinh thần dấn thân và kỹ năng xử lý chuyên nghiệp.

Và tiếp đó mới là những câu hỏi kiểu như liệu các thành viên ban giám khảo đã chọn đúng chưa, đã chấm với tất cả trách nhiệm và sự công tâm chưa? Liệu có tác phẩm nào tốt bị bỏ sót không? Có sự chi phối của những mối quan hệ nào không?

Đã làm giám khảo là chấp nhận “làm dâu trăm họ” là chấp nhận “gạch đá” và có cả sự oan uổng của một vài cá nhân bởi xét cho cùng đa số luôn thắng thiểu số.

Đó là chưa kể, trong một số thời điểm nào đó, giám khảo cũng là con người có thể chọn sai. Vấn đề là thẳng thắn nhận sai trong trường hợp đó.

Còn nếu như vì quan hệ, lợi ích nhóm mà bất chấp tất cả thì đó là câu chuyện khác.

Nhiếp ảnh là nghệ thuật ngày càng mang tính phổ biến và phát triển rất nhanh. Có thể ảnh này năm trước thắng giải năm nay đã không còn phù hợp.

Sự cập nhật các xu hướng ảnh đương đại không chỉ trong nước và thế giới là đòi hỏi bắt buộc phải các thành viên ban giám khảo.

Và cần cải tổ

Ở nhiều cuộc thi ở ta, bao năm nhiều khi vẫn mang chủ đề chung chung kiểu vẻ đẹp đất nước, con người hay gán cho hai chữ “Tự do”. Dĩ nhiên cũng có những cuộc thi phân ra nhiều thể loại (category) khác nhau nhưng đó chưa phải là phổ biến.

Chủ đề Tự do dẫn đến việc cạnh tranh không sòng phẳng khi ảnh chân dung phải đấu với ảnh tĩnh vật, ảnh phong cảnh đấu với ảnh đường phố… Khi đó, ai thắng ai cũng khó làm bà con “tâm phục khẩu phục”. Trong khi các cuộc thi quốc tế phân ra nhiều thể loại, chưa kể trong thể loại lớn còn có thể loại nhỏ (sub category) tỉ như trong Fine Art (mỹ thuật) có Fine Art Portrait (Chân dung), Fine Art Still Life (Tĩnh vật), Fine Art Abstract (trừu tượng)… Việc phân ra cụ thể như vậy vừa thu hút thêm đông đảo người thi vừa tạo sự công bằng khi dự thi. Và Ban giám khảo thường đông các chuyên gia, giám khảo chuyên lĩnh vực nào sẽ chấm lĩnh vực đó, tránh ai đó am hiểu sâu tĩnh vật lại đi chấm ảnh báo chí thì tréo ngoe.

Thường các cuộc thi quốc tế, quyết định của ban giám khảo là chung cuộc, không ai có thể thắc mắc, ý kiến thay đổi được kết quả. Nhưng ở ta, có lẽ sau mỗi cuộc thi nên tổ chức tọa đàm công khai để giám khảo trao đổi, trả lời thắc mắc thí sinh. Trước đây chúng ta đã làm ở một số cuộc thi, sau đó lại bỏ, nay nên tổ chức lại, để cho giám khảo và các thí sinh có cơ hội đối thoại. Và qua đó, mỗi giám khảo cũng bộc lộ rõ quan điểm, chính kiến của mình, khi bỏ phiếu cho điểm một tác phẩm nào đó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn