MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phụ nữ Dao Thanh Phán với trang phục truyền thống rực rỡ. Ảnh: Tiến Trưởng

Nét đẹp của phụ nữ dân tộc Dao Thanh Phán qua ống kính nhiếp ảnh

Tiến Trưởng LDO | 20/03/2022 22:40

Quảng Ninh - Huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) có trên 96% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó người Dao Thanh Phán đông thứ 3 (sau dân tộc Tày và dân tộc Sán Chỉ). Cuộc sống của người dân nơi đây hiện nhiều sắc màu rực rỡ qua ống kính nhiếp ảnh.

Người Dao Thanh Phán hiện cư trú ở những nơi có địa hình vùng núi cao gồm các xã Đồng Văn, Hoành Mô, Đồng Tâm (huyện Bình Liêu) - nơi có khí hậu mát mẻ trong lành và nguồn nước dồi dào. Những thôn, bản như Phạt Chỉ, bản Sông Moóc, bản Khe Tiền thuộc xã Đồng Văn được nhiều người biết đến vì có rất đông người Dao Thanh Phán sinh sống. Đến nay người Dao Thanh Phán vẫn còn giữ gìn được tín ngưỡng rất riêng như lễ cấp sắc, lễ cầu mùa và đặc sắc nhất là lễ hội “Kiêng gió” được tổ chức vào ngày mùng 4 tháng 4 âm lịch hằng năm.

Trang phục của người Dao Thanh Phán đặc trưng là màu đỏ với những họa tiết được thêu thủ công, mang nét đặc trưng riêng mà không nơi nào có. Đến nay vẫn những người phụ nữ Dao vẫn giữ gìn và truyền dạy cho con cháu cách may quần áo truyền thống.

Ảnh: Tiến Trưởng 
 Phụ nữ Dao Thanh Phán thường quấn trên đầu một chiếc khăn màu đỏ, in họa tiết hoa văn và buộc dây ở cằm, thể hiện sự nết na, duyên dáng. Phụ nữ đã có chồng thường cạo trọc đầu, đội một hộp màu đỏ và phủ khăn họa tiết lên trên. Trang phục của người Dao Thanh Phán có màu sắc rực rỡ vì từ xưa họ đã quan niệm, màu càng sặc sỡ thú dữ càng sợ hãi không dám lại gần, như vậy sẽ không gây hại đến mình.
Ảnh: Tiến Trưởng 
Các họa tiết thêu của người Dao Thanh Phán không theo mẫu được vẽ sẵn mà được truyền miệng, lưu giữ bằng trí nhớ. Như họa tiết hình móng chân và chân chó được thêu ở hàng đầu tiên, từ trên xuống của gấu quần. Móng chân và chân con chó là biểu tượng của tổ tiên người Dao, nên hay thêu họa tiết này ở gấu quần. Người Dao Thanh Phán tin rằng tổ tiên luôn đi theo để phù hộ, tránh được mọi tai ương, bất trắc. Họa tiết “nộc cắp” – đôi chim luôn được thêu các cặp màu tương sinh trong ngũ hành. Hai cặp màu tương sinh được thêu kín trong ô vuông, ngoài ước mong cuộc sống có được mọi điều viên mãn, cách phối màu còn thể hiện mong ước sự sinh sôi, nảy nở. Bên cạnh đó là các họa tiết hoa văn phản ánh đời sống văn hóa của người Dao: Họa tiết chiếc bừa – là vật dụng dùng trong canh tác lúa ở ruộng bậc thang, họa tiết hoa đậu đũa – loài cây trồng quanh năm trên nương để dùng làm thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày; Họa tiết hoa sâm, hoa kiệu, ruộng bậc thang là những hình ảnh gắn liền với cuộc sống của họ. 
Ảnh: Tiến Trưởng 
 Mỗi hoạ tiết trên trang phục của người Dao Thanh Phán là cả một câu chuyện mà người thêu muốn gửi gắm. Màu sắc và họa tiết thêu trên trang phục phản ánh tín ngưỡng, quan niệm và đời sống văn hóa của người Dao Thanh Phán. Màu sắc được chọn là các màu xanh, đỏ, vàng, trắng kết hợp thêu trên nền vải màu đen, hội đủ ngũ hành: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.
Ảnh: Tiến Trưởng 
 Mũ xếp đội đầu của phụ nữ Dao Thanh Phán được làm cầu kỳ nhất, tốn nhiều thời gian, công sức nhất. Chiếc mũ có hình vuông, cao khoảng 30cm, mỗi một chiếc mũ được cấu tạo bởi 110-120 tấm vải được thêu viền màu đỏ và xếp chồng lên nhau, xen giữa các tấm vải là lớp xốp mềm (thường, phụ nữ trẻ làm mũ cao hơn người già). Lúc đi rừng, mũ được quấn thêm một lần vải hoa đỏ bên ngoài để tránh bụi bẩn.
Ảnh: Tiến Trưởng 
 Trong cuộc sống hằng ngày người phụ nữ Dao ngoài chăm lo cuộc sống gia đình, chăm sóc những rừng hồi, rừng quế, hay ruộng nương, thì trong những lúc rảnh rỗi không kể trưa, chiều hay tối, các bà, các chị lại ngồi thêu thùa các hoa văn trên tay áo, ống quần. Mỗi bộ quần áo của người Dao Thanh Phán thường được làm xong trong vòng 6 đến 1 năm mới hoàn chỉnh.
Ảnh: Tiến Trưởng
Trang phục của người Dao Thanh Phán hiện nay đã trở thành một điểm nhấn trong phát triển du lịch của huyện Bình Liêu. Một sắc màu ấn tượng trong lòng du khách đến với Bình Liêu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn