MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Netflix cung cấp đủ loại phim cho người xem. Ảnh chụp lại từ màn hình

Netflix, nền tảng cấp tiến hay kẻ gây nghiện xã hội?

Bùi Trí Hiếu (nhà nghiên cứu phê bình điện ảnh) LDO | 14/01/2022 10:30

Netflix đang là một nền tảng xem phim trực tuyến nổi tiếng toàn thế giới. Kể từ khi cả thế giới bước vào mùa dịch, số lượng người đăng ký Netflix tăng chóng mặt. Nhiều nước buộc phải cách ly toàn thành phố khiến cho nhiều người bất đắc dĩ phải sống như “hikikomori” (Hikikomori - tiếng Nhật được giải nghĩa trong tiếng Việt là “thu mình vào bên trong, trở nên hạn chế hoạt động”, là hiện tượng những người tự giam mình trong căn phòng đơn lẻ, từ chối tham gia vào đời sống xã hội, gia đình...) và cũng vì thế mà nhu cầu giải trí tại nhà rất được ưa chuộng.

Thuật ngữ ‘binge-watching’ hay hiểu nôm na là ‘cày phim’ đã ra đời, rất thịnh hành với giới trẻ và đang là một loại hình văn hóa đại chúng mới toàn cầu. Tuy nhiên, chính Netflix lại được xem là nguyên tố chính đang gây nghiện và gia tăng nỗi cô đơn trong xã hội.

Sự thay đổi phương thức xem phim

Vào thủa những thế hệ phim truyền hình xưa, ta được trải nghiệm sự háo hức mong chờ bộ phim truyền hình ưa thích khi chúng chỉ được chiếu vào đúng giờ nhất định ở các ngày nhất định trong tuần. Sau mỗi tập phim, ta có nhiều thời gian hơn để mà cảm thán hay chia sẻ niềm vui thích với bạn bè, người thân; và rồi mong chờ tập phim mới, mùa phim mới cho đến khi kết thúc.

Ngày nay, Netflix tiến vào thị trường với chiến lược hoàn toàn ngược lại. Họ cho phép người dùng xem hết mùa phim mà không cần ngừng nghỉ. Mỗi mùa phim có thể dao động từ 8 đến 20 tiếng. Nhờ đó, người xem với nhu cầu ít bị hạn chế hơn dần trở thành những ‘con nghiện’ phim. Không chỉ thế, mỗi khi kết thúc một bộ phim truyền hình dài tập thì Netflix lại kéo bạn vào hàng tá lựa chọn khác để bạn không bao giờ rời mắt khỏi màn hình. Chưa kể việc bạn hạn chế sự hoạt động của mình xung quanh chiếc TV hay máy tính cũng khiến bạn tự cô lập và ngắt kết nối với thế giới bên ngoài.

Hơn thế, nó còn gia tăng nhu cầu tiêu thụ các loại thức ăn nhanh, có sẵn, nhiều cholesterol, làm tăng nguy cơ béo phì, khiến bạn càng dễ bị tổn thương hơn trước COVID-19. Thời gian bị cuốn vào hoạt động xem phim sẽ từ từ chiếm hết những nhu cầu khác, khiến cho người xem bị mất tập trung, trì trệ và não bộ dần bị phục tùng trước cơn thèm của bản năng. Cũng chính vì thế mà đối với kiểu xem phim truyền hình truyền thống, bộ não hoạt động tốt hơn khi được nghỉ ngơi hợp lý và thời gian xem không quá dài, giúp ta nhớ được nhiều chi tiết hơn. Nhất là não bộ thường chọn lọc những phần vui thích nhất và giữ lại khiến tâm trí hạnh phúc hơn trong một thời gian dài sau đó.

Netflix gia tăng nỗi cô đơn và cơn sầu đời

Càng đắm chìm vào Netflix, ta càng thấy nhiều cảnh hành động, bạo lực, tình dục hay nghe những ngôn ngữ biến tấu để bắt nhịp xu hướng thời thượng mà bộ não cho thấy rằng nó hài hước và hấp dẫn, nhưng thực tế lại không có nhiều ý nghĩa. Trên thực tế, các phim truyền hình trên Netflix đều làm trên cùng một khuôn mẫu và chúng đều hao hao như nhau. Những bộ phim này không nhất thiết phải có bạo lực hay tình dục mà nó được thêm vào để kích thích não bộ của người xem thông qua những chi tiết đen tối, kinh dị, ghê tởm…

Mỗi khi xem những thứ này đều khiến người ta hướng đến nỗi cô đơn và sự sầu đời, cùng là động lực để họ lựa chọn tiếp tục xem những bộ phim tiếp theo để thoát khỏi cái nhà tù vô hình nhưng quay lại một vòng luẩn quẩn. Ví như khi bạn đắm chìm vào series “Narcos” của Mỹ  làm về trùm ma túy Pablo Escobar (Colombia), bạn dễ bị cuốn theo hết mùa này đến mùa khác và chứng kiến cảnh Escobar liên tục thoát khỏi lưới săn lùng gắt gao của cảnh sát  và những băng nhóm tội phạm khác. Đến lúc bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi vì trò chơi đuổi bắt này… Mà rồi hóa ra lại còn một phiên bản khác của “Narcos” của Mexico làm nghe nói còn bạo lực và nghệ thuật hơn!

Hãy sống khỏe mạnh hơn

Mỗi ngày “chôn chân” trong nhà là một cuộc chiến với nỗi buồn, cơn khát công việc và nhu cầu tiền bạc. Hãy cố gắng tập thể dục nhiều hơn bên cạnh những nỗi lo cuộc sống. Thời gian cách ly trong nhà cũng cho ta có thêm nhiều thời gian hơn để quan tâm cho chính bản thân. Những hoạt động phát triển, nuôi dưỡng tâm hồn như đọc sách, nghe nhạc, chăm sóc cây cảnh, vật nuôi, ngồi thiền hay tập yoga… nên được khuyến khích nhằm tăng cường sức khỏe chống chịu được bệnh tật, nhất là Covid.

Hãy nhớ, “Bạn là những gì mà bạn hấp thụ vào người”. Do đó, cần phải tự mình giám sát, giới hạn thời gian giải trí của bản thân và đặc biệt là quan tâm đến con trẻ trước quá nhiều thứ gây hại bên cạnh những tiện ích mà những nền tảng như Netflix mang lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn