MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
NSND Thanh Hoài tham gia dự án Ngâm Kiều toàn truyện phát trên YouTube. Ảnh: NVCC

Ngâm Kiều, nghe Xẩm trên YouTube

Hương Mai LDO | 05/05/2021 11:31
Mạng xã hội, YouTube cũng là những kênh giới thiệu hiệu quả, giúp tác phẩm nghệ thuật đến với công chúng một cách nhanh nhất. Âm nhạc dân tộc cổ truyền muốn tồn tại và lan toả thì người nghệ sĩ phải quan tâm, nhập cuộc, đưa sản phẩm của mình lên mạng xã hội, YouTube nếu không có thể sẽ tự cô lập, tụt lại phía sau...

“Ngâm Kiều toàn truyện” là một dự án do nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long khởi xướng cùng sự tham gia của nhiều nghệ sĩ hàng đầu như NSND Thanh Hoài, NSND Thúy Ngần, NSƯT Quốc Khanh… Đây là dự án tôn vinh một lối ngâm độc đáo, chia thành 12 phần và được thể hiện ở hình thức hình vẽ 2D kết hợp với một chút kỹ xảo, được giới thiệutrên kênh YouTube Dân ca và Nhạc cổ truyền.

Bên cạnh đó, 10 đoạn ngắn với độ dài từ 3 đến 5 phút được trích ra từ trong dự án này đã được các nghệ sĩ của nhóm dự án thực hiện các phần quay tại đình Chèm (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và giới thiệu trên kênh YouTube nhóm Xẩm Hà Thành để những câu Kiều thể hiện theo đúng lối ngâm Kiều được phổ biến rộng rãi hơn. Chỉ sau 3 tuần phát hành trên YouTube, clip “Kiều thăm mộ Đạm Tiên” đã có hơn 66.000 lượt xem, trong khi clip “Kiều bán mình chuộc cha” do NSƯT Quốc Khanh ngâm cũng đạt gần 70.000 lượt xem...

Cùng với dự án Ngâm Kiều toàn truyện trên kênh Dân ca và Nhạc cổ truyền, khán giả yêu âm nhạc truyền thống còn có thể nghe hát ru, quan họ, chèo, xẩm... trên nền tảng mạng xã hội. Nhiều năm gần đây, các nghệ sĩ của nhóm Xẩm Hà thành tập trung hướng tới khán giả trẻ bằng những bài xẩm mang hơi thở cuộc sống hiện đại, tính thời sự như “Xẩm Tứ vị Hà thành”, “Tiêu diệt Corona”, “Xẩm Trà đá”… Những tác phẩm này đều được nhóm Xẩm Hà thành đầu tư dàn dựng với hình thức video ca nhạc, phát hành trên YouTube để xẩm có thể tiếp cận với nhiều khán giả trẻ trong thời đại số. Với nỗ lực cùng sự kiên trì cùng cách làm mới để tiếp cận đến người nghe, nhóm Xẩm Hà Thành đã góp công trong việc “hồi sinh” cũng như phát triển loại hình âm nhạc truyền thống này.

Vào tháng 10.2020, người yêu âm nhạc trực tuyến có thể vào kênh YouTube “Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam” để xem trực tiếp các buổi dự thi của diễn viên tuồng, dân ca kịch trong Cuộc thi Tài năng trẻ Diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2020 do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở VH-TT... tổ chức tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định). Việc phát sóng trực tuyến không chỉ là phương án trong thời điểm dịch COVID-19 và hạn chế tụ tập đông người mà còn vì nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả và là cách đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với người nghe.

Trên YouTube, những video về các loại hình nghệ thuật truyền thống nhận được nhiều phản hồi từ khán giả. Điểm đáng chú ý, rất nhiều bình luận tích cực, đánh giá cao những sáng tạo, đóng góp của các nghệ sĩ trong việc gìn giữ và đưa nghệ thuật truyền thống của dân tộc đến gần hơn với công chúng. Không chỉ khán giả trong nước mà nhiều khán giả ở nước ngoài cũng có thể dễ dàng tiếp cận và đưa ra những lời khen, sự thích thú khi tìm hiểu về nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Thông qua mạng xã hội, âm nhạc truyền thống Việt Nam có thể được giới thiệu tới những khán giả thuộc các thế hệ khác nhau và lan tỏa giúp mở rộng thêm khán giả ở mọi khoảng cách địa lý.

Trao đổi với Lao Động, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết, việc thực hiện đưa nghệ thuật truyền thống lên mạng xã hội đã mang lại hiệu quả ngoài mong đợi. Khi giới thiệu “Ngâm Kiều toàn truyện”, anh cùng các đồng nghiệp đều nghĩ khó được đón nhận như những dự án âm nhạc hiện đại phù hợp với nhu cầu thời đại của đại bộ phận công chúng. Thế nhưng kết quả bất ngờ, có clip đạt tới gần 70 nghìn lượt xem và được đánh giá tốt.

Nguyễn Quang Long cũng cho biết thêm, để những dự án như “Ngâm Kiều toàn truyện” trở thành những dự án dài hơi thì đầu tiên là có sự tâm huyết, yêu nghề, không nao núng với những thứ “cơm áo gạo tiền” và sự đồng hành của những người có cùng chí hướng, bên cạnh việc ủng hộ của các Mạnh Thường Quân yêu nghệ thuật truyền thống dân tộc, muốn bảo tồn và duy trì, phát huy cho các thế hệ sau...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn