MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguyễn Quang Thiều bên giá vẽ tại nhà. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngắm tranh của một nhà thơ

Việt Văn LDO | 12/01/2021 08:25
“Người thổi sáo”, triển lãm cá nhân hội họa đầu tiên của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với 60 tác phẩm vừa khai mạc sáng 7.1 tại Trung tâm Art Space thuộc Trường Đại học Mỹ thuật (42 Yết Kiêu, Hà Nội), với một không gian sang trọng để người xem có thể thưởng thức tốt nhất những bức tranh của một nhà thơ tài hoa vẽ thay vì xem tranh của một họa sĩ.

Màu sắc đương đại

Là một người không học qua trường lớp hội họa nào, nói cách khác là “tay mơ” chỉ bằng tư chất Trời cho, thị hiếu thẩm mỹ và khả năng nhạy cảm với màu sắc, bố cục, Nguyễn Quang Thiều có lúc “vẽ như điên” những bức tranh mà dân ngoại đạo nhiều khi trầm trồ, xuýt xoa khen “lạ”. Và nay khi đã là Chủ tịch Hội nhà văn thì những lời ca tụng ngút ngàn dành cho những bức tranh của ông. Lần trình làng này là khoảng 60 bức tranh với cái tên “Người thổi sáo”.

Hội họa không phải là niềm đam mê lớn nhất của Nguyễn Quang Thiều như ông tự nhận mà nó nhiều khi là phiên bản thơ thứ hai vì ông là con người của thi ca. Những gì chưa được thể hiện trong thơ thì ông trút vào hội họa.

“Người thổi sáo” chính là câu chuyện có thật và cũng rất thi ca. Bằng tiếng sáo, người đàn ông mù đã khiến cậu bé làng Chùa năm xưa - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều hôm nay - chợt phát hiện ra một luồng ánh sáng khác từ bên trong nội tâm người đàn ông… ”1 ngày cuối Thu sang Đông, tôi đang buồn, ngồi cà phê một mình ở Hà Đông thì gặp một người mù thổi sáo. Tôi bảo anh ta thổi một khúc thích nhất cho nghe. Một giai điệu ngẫu hứng tuôn trào, tôi cảm giác có đôi mắt mở ra trong mắt của người mù. Và cũng mở ra trong tôi một quan niệm sống mới để đi qua nỗi buồn”.

Những bức tranh của Thiều đều gắn liền với một câu chuyện thi vị nào đó. Đó có thể là chuyện của đời sống qua lăng kính nhà thơ nhưng cũng có thể đó là sự tưởng tượng của Nguyễn Quang Thiều, nhưng đó chính là ma lực dẫn dụ người xem vào tranh của ông. Thiều còn đưa thơ vào tranh hay mượn tranh để làm tăng sức hấp dẫn của thơ. Có bức ông còn viết thẳng bài thơ vào tranh, rồi cắt dán (collage) đưa đủ thứ vào vì thế tranh của ông có chất đương đại (contemporary) và như thế có thể coi Nguyễn Quang Thiều là một nghệ sĩ thị giác. Tuy nhiên, riêng tôi lại thích những bức tranh “đơn thuần” như “Người thổi sáo 7” hay “Người thổi sáo 11”.

Điểm mạnh nhất trong tranh ông chính là khả năng hòa sắc. Tài chơi màu của Nguyễn Quang Thiều không thể phủ nhận, với những gam màu nhiều khi đối chọi nhau, tương phản nhau và nó kích động cảm xúc người xem. Dĩ nhiên, không nên so sánh Nguyễn Quang Thiều với các họa sĩ chuyên nghiệp, dù như họa sĩ Đào Hải Phong khẳng định thì “Thiều là một tay mơ cứng cựa và nhiều khi làm được điều mà họa sĩ chuyên nghiệp cũng không làm được. Màu sắc khá ma mị người xem!”.

Nhưng nếu đặt ông vào hàng các nhà thơ, nhà văn vẽ tranh, như thế Nguyễn Quang Thiều thuộc Top hàng đầu và thậm chí là “số nhất, số nhị” hiện nay.

Đường dài

“Năm 2005, một họa sĩ Cu Ba gửi toan, màu nhà tôi, trưa tôi nghịch bóp tuýp màu lên toan, thấy màu đẹp quá. Và bị quyến rũ, anh họa sĩ Cu Ba bảo tôi đừng học, đừng nghĩ gì và cứ vẽ theo cảm xúc. Năm 2005, trong một triển lãm chung, tôi bày 14 bức sơn dầu, có bức khi mang đến phòng tranh còn ướt. Và tôi bán được 11 bức, xây cho bố tôi ngôi nhà ở quê, sau đó tôi không vẽ nữa. Vì nghĩ hội họa là phải học cho đàng hoàng, nghiêm chỉnh, mình nghịch thế đủ rồi.

Nhưng một họa sĩ bạn tôi là anh Dương Kiều Minh, trước khi mất gọi bạn thân tôi và gửi lại những bức tranh phấn màu tôi vẽ và bỏ đi. Tôi cảm động vô cùng, quay lại vẽ từ năm 2012 đến nay vẽ liên tục khi có thời gian, tranh thủ trưa, tối và cứ thứ Bảy, Chủ nhật chìm đắm trong vẽ. Tất cả là cảm giác, trực giác. Có khi lúng túng kỹ thuật hỏi một vài họa sĩ bạn tôi như Thành Chương, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong… hoặc vào mạng xem lý thuyết của Nguyễn Đình Đăng…”. Thiều kể về cơ duyên đến với hội họa.

Nghệ sĩ thường hay mắc bệnh tham lam về ý. Thiều là người rất “quái” nhưng nhiều khi cũng rơi vào cạm bẫy này. Một số tranh của Thiều gây cảm giác bối rối và không có khoảng thở hay nó cũng đặt ra câu hỏi về nhiều ý tưởng chồng lấp trong đầu nhà thơ.

Sự trưởng thành và phát triển nằm ở bên trong người nghệ sĩ nó tuyệt nhiên không liên quan gì đến những lời khen hay những cú nhấp chuột “like”. Triển lãm cá nhân của Thiều có thể lấp đi một khoảng trống nào đó trong ông nhưng nó sẽ đào thêm một khoảng trống nữa...

Vì tận cùng sâu thẳm nghệ sĩ là nỗi cô đơn, đó tuyệt nhiên không phải là sự cô đơn “trình diễn”. Với nghệ sĩ, cô đơn là khởi nguồn của sáng tạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn