MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phim Hàn Quốc ra mắt nhiều, song không phải tác phẩm nào cũng thành công. Ảnh trong phim “Người nổi tiếng” - Netflix

Ngành công nghiệp phim Hàn Quốc gặp khủng hoảng

An Nhiên LDO | 28/07/2023 08:19

Dù liên tiếp ra mắt nhiều tác phẩm mới, song truyền thông đánh giá, ngành công nghiệp phim Hàn Quốc đang rơi vào khủng hoảng.

Phim truyền hình gặp khó

Năm 2021, khi series phim sinh tồn Hàn Quốc - “Squid Game” (Trò chơi con mực) của Netflix lên sóng từng tạo nên cơn sốt trên toàn cầu, trở thành phim có lượt xem cao nhất lịch sử Hàn Quốc trên nền tảng phát trực tuyến này, tạo nên độ phổ biến của hàng loạt phim bộ Hàn Quốc thời điểm đó.

Tuy nhiên, theo The Korea Times, thời kì huy hoàng này đang dần lụi tàn, khiến ngành công nghiệp phim truyền hình Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng. Nhiều dịch vụ phát trực tuyến đang phải “thắt lưng buộc bụng” và tạm dừng sản xuất, dẫn đến việc nhiều bộ phim bị “đắp chiếu”.

Các đài truyền hình không đặt trước các khung giờ vàng trong tuần. Hiện 3 đài truyền hình lớn của Hàn Quốc là SBS, MBC và KBS đều ngừng phát sóng phim truyền hình khung chiếu thứ 4 và thứ 5, trong khi tvN bắt đầu ngừng chiếu phim khung giờ này từ tháng 4.

Nhiều đài truyền hình ngừng chiếu phim khung trong tuần vì tỉ suất người xem bết bát. Ảnh trong phim “Trở thành người xa lạ?” - ENA

“Các nhà đài chỉ mở một khung giờ hai ngày (mỗi tuần), như thứ 6 - thứ 7 hoặc thứ 7 - chủ nhật đối với phim bộ và đã bỏ đã khung chiếu trong tuần. Có rất nhiều phim bộ đã bị hủy trong quá trình sản xuất.

Trong số các dự án mà đài truyền hình của tôi đang xem xét chọn, có khá nhiều dự án đang được phát triển ở một mạng khác nhưng đã bị hủy bỏ giữa chừng” - một đạo diễn phim truyền hình nói với The Korea Times.

Trong khi Korea Creative Content Agency cho biết, có khoảng 160 bộ phim đã được thực hiện vào năm 2022 - đây là con số cao nhất trong 3 năm qua, tuy nhiên, trong năm nay, chỉ có khoảng 100 series phim được xác nhận sẽ bước vào giai đoạn sản xuất.

Phim điện ảnh cũng đứng trước nguy cơ “đắp chiếu”

Theo đó, các dịch vụ phát trực tuyến không phải là đơn vị duy nhất gặp khủng hoảng về tài chính. Tập đoàn truyền thông CJ ENM cũng bị thâm hụt lớn trong mảng phim truyền hình và phim điện ảnh trong quý đầu tiên của năm nay, dẫn đến khoản lỗ hoạt động 50,3 tỉ won trong khi lợi nhuận hoạt động một năm trước đó là 49,6 tỉ won.

Dù mảng âm nhạc và thương mại của công ty có lợi nhuận hoạt động thặng dư, nhưng vẫn không đủ để bù đắp cho khoản thâm hụt trong mảng kinh doanh nền tảng truyền thông, phim bộ và phim.

Thế nên, không quá ngạc nhiên, khi thời gian qua nhiều phim điện ảnh Hàn đứng trước tình trạng “đắp chiếu” dù quá trình quay phim đã thực hiện xong từ rất lâu, cũng như có sự tham gia của dàn diễn viên đình đám.

Phim của Song Joong Ki quay xong từ lâu nhưng vẫn chưa có lịch phát hành. Ảnh trong phim “Cậu út nhà tài phiệt” - Netflix

Trong số đó, phải kể đến “Bogota” do Song Joong Ki đóng chính; phim khoa học viễn tưởng “Wonderland” do Jung Yoo Mi, Gong Yoo, Thang Duy, Park Bo Dum, Suzy và Choi Woo Sik đóng; phim “Citizen Deok Hee” do Ra Mi Ran đảm nhận... cho thấy sự khó khăn đáng kể của ngành phim Hàn thời điểm hiện tại.

Trước đó, khi đánh giá về loạt bom tấn mới sắp ra mắt như “Smugglers” - Kim Hye Soo, Yum Jung Ah, Jo In Sung, Park Jung Min, Go Min Si đóng, “Ransomed” do Ha Jung Woo và Joo Ji Hoon đóng; “The Moon” - D.O, Sul Kyung Gu, Kim Hee Ae đóng, The Korea Herald cho biết, kì vọng của khán giả với phim điện ảnh ở thời điểm hiện tại còn thấp.

Vì thực tế, nếu để đặt lên bàn cân, các tác phẩm ra rạp dịp hè này tại Hàn Quốc chưa có nhiều mới mẻ về nội dung. Dàn cast dẫu là tên tuổi thực lực, song vẫn khó có thể thu hút khán giả do thói quen ở nhà xem phim của khán giả vẫn tăng. Phần khác, do giá vé xem phim tại đất nước này tăng vọt, nên họ sẽ cân nhắc kĩ lưỡng trước khi mở ví chi tiền.

Chia sẻ cùng Korea Joongang Daily về khó khăn của ngành công nghiệp phim ảnh, Kwak Shin Ae, Giám đốc điều hành của Barunson E&A, cho biết: “Ngành điện ảnh đang gặp khó khăn do hậu quả của dịch COVID-19, nhưng chúng tôi đang tìm kiếm nhiều cách khác nhau để mở rộng ra thị trường nước ngoài nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay”.

Tuy nhiên, để ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc có thể đứng vững trở lại, Korea Joongang Daily đánh giá phải mất thêm một thời gian nữa, khi phòng vé xứ Hàn cần thêm nhiều tác phẩm tạo tiếng vang, thay vì chỉ dựa vào sức hút 10 triệu vé trong hơn 1 tháng mà “The Outlaws 3” (The Roundup: No Way Out/Vây hãm: Không lối thoát) làm được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn