MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lao động trong ngành phim là một dạng lao động khá đặc biệt. Ảnh minh hoạ: AFP

Ngành phim xin cơ chế “phá băng”

Mỹ Linh LDO | 29/09/2021 07:30
Các doanh nghiệp trong ngành sản xuất phim và chương trình truyền hình nói riêng và doanh nghiệp ngành nghề khác nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phải đối diện với nguy cơ phá sản hàng loạt khi phải dừng hoạt động vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

20 doanh nghiệp sản xuất phim, chương trình truyền hình vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và UBND TPHCM với 8 đề xuất nhằm đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch từ ngày 15.10.

Các doanh nghiệp này nêu thực trạng: “Doanh thu của ngành điện ảnh, truyền hình nói chung và ngành sản xuất phim, chương trình truyền hình nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong khi phí thuê mặt bằng, lương cho nhân viên vẫn tiếp tục phải chi trả. Đặc biệt, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 khiến việc giãn cách xã hội tại TPHCM kéo dài nhiều tháng qua đã làm cho kế hoạch sản xuất và phát hành của nhiều bộ phim, chương trình truyền hình bị lùi lại hoặc trì hoãn vô thời hạn. 

Tình trạng này còn khiến cho nguồn vốn đầu tư vào các dự án phim, chương trình truyền hình bị tồn đọng, nhiều nhân sự làm phim tự do không có việc làm, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. 

Trước những khó khăn trên, nhiều doanh nghiệp sản xuất phim và chương trình truyền hình đang ở tình trạng kiệt quệ về nguồn lực, khó có thể phục hồi hoạt động trong thời gian ngắn. Người lao động đứng trước nguy cơ mất việc làm. 

Việc thực hiện giãn cách, phong tỏa trên diện rộng và kéo dài khiến các doanh nghiệp trong ngành sản xuất phim và chương trình truyền hình gặp rất nhiều khó khăn như nhiều bộ phim và chương trình truyền hình không thể tiến hành sản xuất và phát hành; một số dự án đang bấm máy phải tạm dừng hoặc không thể tiếp tục sản xuất. 

Trong thời gian sắp tới, nguồn phim và chương trình truyền hình nội địa được dự đoán sẽ không đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dân và có thể dẫn đến nguy cơ ngành điện ảnh, truyền hình Việt Nam lệ thuộc vào nguồn phim, chương trình truyền hình nước ngoài.  

Tuy vậy, các doanh nghiệp trong ngành phim không xin hỗ trợ tài chính để duy trì tồn tại, làm cơ sở phát triển mà muốn chỉ xin cơ chế để hoạt động trong bối cảnh bình thường mới. 

8 kiến nghị được đưa ra không phải là những điều kiện khó khăn, hầu hết đều tuân thủ các quy định về phòng chống dịch hiện nay.

Dòng chảy văn hoá phải được duy trì, bởi lẽ càng dãn cách thì nhu cầu thưởng thức văn hoá càng lớn. Nếu để ngành phim “đóng băng”, đồng nghĩa là trao cơ hội cho những doanh nghiệp nước ngoài chuyên phát hành phim trên nền tảng số - khó kiểm soát.

Lao động trong ngành phim là một dạng lao động khá đặc biệt và cũng gần như không tiếp cận được các gói hỗ trợ, chính vì thế, một cơ chế thích hợp để “phá băng” chính là giải phóng sức lao động, để dòng chảy văn hoá tiếp tục trong bối cảnh dịch COVID-19.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn