MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người phụ nữ dân tộc Mông may quần áo trước ngày đón Tết. Ảnh: Minh Nguyễn

Ngày Tết cổ truyền của đồng bào H’Mông nơi cuối trời Tây Bắc

Minh Nguyễn LDO | 07/02/2024 06:00

Khoảng 1 tháng trước Tết Nguyên đán, người dân tộc H’Mông ở Tây Bắc đã tạm gác tất cả công việc thường nhật, chuẩn bị những món ăn đặc biệt, quần áo xúng xính để đón Tết cổ truyền của dân tộc mình.

Ngày Tết độc đáo của người Mông

Khác với dân tộc Kinh và nhiều đồng bào Dân tộc thiểu số (DTTS) ở trong cả nước nói chung, vùng Tây Bắc nói riêng, người H’Mông ở Sơn La và một số tỉnh ở Tây Bắc thường ăn Tết vào đầu tháng Chạp Âm lịch. Tết của người H’Mông thường diễn ra trong 3 ngày nhưng trước đó cả tháng, khắp các bản trên, bản dưới tại các xã vùng cao của Sơn La, người H’Mông đã nhộn nhịp không khí đón Xuân.

Sơn La những ngày này thực sự đẹp rực rỡ, là vẻ đẹp hòa quyện của sắc hoa đua nở của hoa mận, hoa mơ ngày Xuân và sắc màu của váy áo thổ cẩm của những người đồng bào H’Mông, những chàng trai cô gái người tộc xuống đường đón Tết, du Xuân.

Khác với một số dân tộc ở vùng Tây Bắc, người H’Mông ở huyện Vân Hồ, Sơn La thường đón Tết sớm hơn 1 tháng. Tối 30.11 Âm lịch, thời khắc giao thừa chuẩn bị đến cũng là lúc khắp các bản, các hộ dân tộc H’Mông nhà nào nhà nấy đều quây quần bên mâm cơm gia đình để cùng nhau đón năm mới.

Ẩm thực của người H’Mông có những món ăn rất thú vị, ngoài món thắng cố quen thuộc mà du khách dễ dàng bắt gặp ở các chợ phiên vùng cao, thì Tết của người H’Mông không thể thiếu món bánh dày. Theo quan niệm của người H’Mông, bánh dày là biểu tượng của mặt Trời, mặt Trăng, là nguồn gốc sinh ra loài người và muôn loài nên trong mâm cơm ngày Tết nhất thiết phải có món bánh này để dâng cúng tổ tiên và khoản đãi khách đến chơi nhà.

Lưu truyền bản sắc dân tộc

Trong không khí tưng bừng ngày Tết của dân tộc H’Mông, gia đình anh Tráng A Chu đón tiếp những vị khách du lịch trong và ngoài nước đến chơi. Bên cạnh làm du lịch, hướng dẫn du khách thăm quan nghỉ dưỡng tại Vân Hồ, anh Chu còn là cầu nối giới thiệu và lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc H’Mông đến với bạn bè, du khách. Đặc biệt là những nét đẹp của ngày Tết trên bản H’Mông. Những ngày này, người dân tộc H’Mông sẽ cùng nhau chơi Tết và khoác lên mình những bộ váy, áo đẹp nhất.

Trước đây, đồng bào dân tộc H’Mông chủ yếu trồng lanh dệt vải để may trang phục, nay bà con phần nhiều sử dụng vải dệt công nghiệp nhưng cách tạo hoa văn, thêu, trang trí các họa tiết hoa văn vẫn theo lối truyền thống. Đến với đồng bào H’Mông ở xã vùng cao Hua Tạt vào dịp Tết này, ngoài việc được chứng kiến những phong tục, nghi lễ độc đáo, như: Kiêng gọi nhau, kiêng tiêu tiền, kiêng ăn rau... trong ngày mùng một Tết, du khách sẽ được thưởng thức bầu không khí trong lành của núi rừng Tây Bắc, hòa mình vào sắc màu e ấp của hoa đào, hoa mơ, hoa mận hay được học cách ném những trái pao cùng những thiếu nữ người H’Mông xinh đẹp... Đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc H’Mông cũng hết sức phong phú, người H’Mông biết sử dụng nhiều loại nhạc cụ, như: Khèn, sáo, đàn môi...

Bà Phạm Thị Hồng Trinh - Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Những năm qua, nhiều Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được nghiên cứu, nhận diện, bảo vệ và phát huy giá trị. Trong đó, việc bảo tồn và phát huy một trong những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc này là Tết của người H’Mông. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào về Di sản văn hóa tốt đẹp để chính họ tự nguyện tham gia gìn giữ, xây dựng và phát triển các Di sản văn hóa của dân tộc mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn