MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Hồ Văn Chôn đang làm khèn bè. Ảnh: Kăn Sương.

Nghề chế tác khèn bè của người đàn ông gần 90 tuổi

HƯNG THƠ LDO | 26/01/2023 11:00

Gần 90 tuổi, nhưng người ông Hồ Văn Chôn ở bản Kỳ Tăng (xã Lìa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) vẫn đam mê chế tác, sử dụng và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về tiếng khèn bè của đồng bào thiểu số Pa Cô.

Ngày còn nhỏ bé, ông Chôn thường được bố được địu sau lưng. Trên tay bố Chôn thường cầm chiếc khèn bè. Cứ đến giờ ru con ngủ, ông thổi khèn với nhiều điệu nhạc vui vẻ, Chôn lắng nghe thích thú, rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Theo năm tháng, Chôn lớn lên trên tấm lưng của bố và những điệu nhạc của tiếng khèn bè. 

Năm 17 tuổi, yêu thích nên Chôn được bố truyền cho cách chế khèn bè. Muốn tự mình làm nên chiếc khèn bè với âm thanh đúng theo sở thích, ngoài học từ bố Chôn lặn lội khắp nơi tìm các nghệ nhân Pa Cô để tường tận thêm. Tập tành một thời gian, ông Chôn rồi cũng thành thạo và làm ra được chiếc khèn bè hay.

Ông Chôn cho biết, để làm được một chiếc khèn bè đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công. Khèn bè của người Pa Cô gồm 14 ống gắn kết với nhau và một cái lưỡi gà tạo âm thanh.

Vật liệu làm khèn bè là loại nứa, phải chọn loại nứa già, thẳng, cứng. Sau khi lấy từ rừng về sẽ được làm thẳng, phơi nắng cho khô khén.

Ông Chôn hướng dẫn cho các bạn trẻ cách thổi khèn bè. Ảnh: Kăn Sương.

Sau đó, nứa được hơ trên bếp than cho đạt đến độ nóng vừa phải thì tiếp tục nắn lại một lần nữa cho thật thẳng. Lưỡi gà tạo âm gắn trên thân khèn bè được ông Chôn rèn dũa hoàn toàn bằng thủ công. Nguyên liệu chính là bạc cũ, hoặc đồng loại tốt. Sau quá trình nung lên than nóng thì bạc cũ, hoặc đồng sẽ được dát thật mỏng bằng búa và đe, sau đó gọt dũa đến độ mỏng dính, kích cỡ vừa vặn theo cấu trúc mỗi thân khèn.

Tất cả những công đoạn này đều được ông Chôn một tay làm. Phải là người chơi khèn thành thạo, nhạy bén trong cảm nhận mỗi cung trầm bổng thì mới có thể làm ra cây khèn hay.

Hơn 70 năm gắn bó với khèn bè, ông Chôn đã tham gia biểu diễn khắp các lễ hội ở quê hương cũng như giao lưu ở tỉnh bạn. Khi sức khỏe còn tốt, mỗi cây khèn bè ông Chôn chỉ cần 7 ngày hoàn tất, còn  bây giờ phải mất nửa tháng mới làm xong. Dù tay có run, mắt có mờ đi, nhưng khi có người cần, ông Chôn sẵn sàng chế tác, đồng thời nhận sửa chữa khèn bè cho khách có nhu cầu.

Với niềm đam mê nhạc cụ truyền thống, ông Chôn còn tìm tòi nghiên cứu, tập luyện và chơi thành thạo các loại nhạc cụ truyền thống khác, biểu diễn thành thạo các làn điệu dân ca, dân vũ trong lễ hội cồng chiêng của người Pa Cô. Ngoài ra, ông còn có khả năng chế tác tù và, đàn môi.

Ở tuổi gần đất xa trời, ông Chôn chỉ lo nghề làm và biểu diễn khèn bè sẽ mai một. Bởi ở các bản làng miền Tây Quảng Trị bây giờ, hiếm có ai theo và học được nghề này, dù ông luôn sẵn lòng truyền lại. Vì vậy, hễ nghe có lễ hội, hay có dự án tổ chức các hoạt động tập huấn truyền dạy về kỹ năng sử dụng nhạc cụ truyền thống của người Pa Cô, ông cố gắng tham gia với mong muốn truyền dạy lại cho thế hệ trẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn