MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghệ nhân Hoàng Gia Bổn và trâu sẽ tham gia Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn Hải Phòng 2024. Ảnh: Mai Dung

Nghệ nhân Hải Phòng tiết lộ 11 tiêu chuẩn tuyển trâu chọi

Mai Dung LDO | 20/07/2024 08:02

Trước thềm lễ hội chọi trâu 2024, nghệ nhân Hoàng Gia Bổn (quận Đồ Sơn, Hải Phòng) chia sẻ về 11 đặc điểm trâu chọi đạt tiêu chuẩn dự lễ hội.

11 tiêu chí quyết định miếng đánh

Nghệ nhân Hoàng Gia Bổn (sinh năm 1960, trú phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn) là thế hệ thứ 2 trong gia đình 3 thế hệ tham gia lễ hội chọi trâu. Quá nửa đời người gắn bó với lễ hội, nghệ nhân Hoàng Gia Bổn cho biết, với ông cũng như người dân Đồ Sơn, lễ hội chọi trâu truyền thống đi sâu vào tiềm thức mỗi người, gắn bó như máu thịt. Hầu như năm nào gia đình nghệ nhân Bổn cũng có trâu vào chung kết lễ hội, trong đó 2 lần có trâu giành vô địch (năm 1995 và 2009), 4 lần trâu đạt giải Ba và nhiều giải phụ khác.

Nghệ nhân Hoàng Gia Bổn cho biết, đặc điểm của trâu sẽ quyết định miếng đánh của trâu. Ảnh: Mai Dung

Năm nay nhà nghệ nhân Hoàng Gia Bổn có 3 con trâu, nhưng ông chỉ duyệt được đúng một con trâu có đầy đủ tiêu chí tham gia lễ hội. Nghệ nhân Hoàng Gia Bổn tiết lộ 11 tiêu chí lựa trâu chọi. Trong đó, trâu phải có dáng dấp hùng dũng; lông da đen tuyền, da dày; sừng có độ vòng cung chuẩn mực; đôi mắt trâu nhỏ và đen; đuôi trâu che kín hậu môn; 4 móng khum như cái bát; trâu đủ 4 khoáy (2 trên 2 dưới, nếu 5 khoáy thì trâu nghịch); miệng hàm phải đỏ, không được trắng; 2 khoang hẹp… Cũng theo nghệ nhân Hoàng Gia Bổn, thực tế con người không thể dạy trâu cái miếng đánh mà chính 11 tiêu chí này là bản năng của trâu, quyết định miếng đánh của trâu. Ví dụ như độ rộng sừng trâu quyết định miếng đánh, nếu trâu có sừng cao 42-45cm, rộng 50cm thì trâu chuyên đánh vào mắt đối phương, nếu sừng cao 35cm mà rộng 60-70cm thì chuyên đánh hàm…

Chăm trâu lắm công phu

Cũng theo nghệ nhân Hoàng Gia Bổn, lựa chọn trâu chọi đã khó, chăm sóc trâu cũng lắm công phu. Sáng sáng, người huấn luyện cho trâu lội đầm luyện thể lực 15-20 vòng, càng gần lễ hội lại càng giảm cường độ và dừng tập khoảng 10 ngày trước chính hội. Khi đó, trâu lại tập làm quen với chiêng trống, cờ quạt, với không khí của lễ hội.

Chế độ dinh dưỡng cũng được cân đối tỉ mỉ. Buổi trưa, trâu được ăn cám gạo trộn với mật mía, chiều về được ăn 5-6 cây mía đã cạo sạch vỏ, khoai lang rửa sạch sẽ hoặc cỏ ngon (cỏ mới). Nửa đêm, trâu được “lót dạ” thêm một thùng cám to. Nhờ sự chăm sóc của chủ trâu, thịt trâu sau chọi mổ ra rất thơm, không có mùi tanh hôi.

Ông trâu lội bùn luyện tập chuẩn bị cho lễ hội 2024. Ảnh: Mai Dung

Nghệ nhân Hoàng Gia Bổn cũng cho rằng, không có chuyện trâu được cho uống rượu trước ngày thi đấu vì uống như vậy trâu sẽ loạn thần kinh. Thực tế nhiều năm theo lễ hội, ông Bổn cũng chưa từng chứng kiến trường hợp nào như vậy. Tuy nhiên nghệ nhân khẳng định, nếu các nghệ nhân và Ban Tổ chức phát hiện có tình trạng cho trâu uống chất kích thích sẽ xử phạt rất nghiêm.

Mỗi năm đầu tư hàng trăm triệu nuôi trâu chọi, nhưng các chủ trâu vẫn rất vui mừng, phấn khởi, một lòng hướng về lễ hội. “Năm nay kỉ niệm 35 năm khôi phục và phát triển Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, tôi đề nghị với địa phương và các chủ trâu giữ gìn văn hóa làng xóm thật tốt, làng xã có tốt thì ý nghĩa của lễ hội càng được tôn lên” – nghệ nhân Hoàng Gia Bổn cho hay.

Theo kế hoạch của UBND quận Đồ Sơn, lễ hội chọi trâu diễn ra ngày 11.9 tại sân vận động trung tâm quận Đồ Sơn. Các nghi lễ truyền thống như dâng hương, thượng cờ khai hội, rước nước, thần linh, tống thần, diễn ra từ ngày 3.9 đến ngày 18.9.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn