MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghệ sĩ Linh Huyền và kiến trúc sư Matthew Iain giới thiệu về dự án bảo tàng. Ảnh: M.T

Nghệ sĩ đầu tư 100 tỉ đồng làm Bảo tàng Cải lương Nam Bộ

Minh Thi LDO | 08/06/2017 06:28
Sau nhiều năm ấp ủ, mới đây, nghệ sĩ Linh Huyền công bố sẽ khởi công xây dựng Bảo tàng Cải lương Nam Bộ tại mảnh đất trên 5.000m2 ở Tân Trụ (Long An) vào tháng 7 tới. Dự tính, công trình sẽ hoàn tất sau một năm. Điều đáng nói, là kinh phí xây dựng bảo tàng và sưu tầm hiện vật lên đến 100 tỉ đồng. Làm sao một nghệ sĩ như Linh Huyền có thể kham nổi gánh nặng tài chính đó khi chưa có nhà tài trợ?
Khát vọng cống hiến cần được tiếp sức

“Tất cả đều nằm trong dự kiến của tôi. Và tôi thực hiện điều này vì nhiều sự mách bảo, như một sự tri ân Tổ nghiệp cùng các bậc tiền bối. Nếu tôi không làm được, tôi tin sẽ có những người khác sẵn sàng tiếp sức để hoàn thành sứ mệnh này. Và nếu được, mỗi người yêu cải lương có thể góp 50.000 đồng để xây dựng bảo tàng. Tên của họ sẽ được khắc ở mỗi viên đá trên bậc thang bước vào bảo tàng”, nghệ sĩ Linh Huyền - Giám đốc Công ty Mekong Artists tự tin chia sẻ.

Theo Linh Huyền, chị tâm đắc với quan điểm “nhìn vào nghệ thuật của một quốc gia, sẽ thấy được văn hóa của dân tộc ấy”. Bảo tàng Cải lương Nam Bộ sẽ là nơi lưu giữ những bảo vật, hiện vật của cải lương - bộ môn nghệ thuật truyền thống Nam Bộ, từ khai sinh, phát triển cho đến lúc định hình. Đây cũng sẽ là nơi tham quan giải trí, nghiên cứu cho những học giả, khán giả, độc giả mộ điệu cải lương.

Bảo tàng mang hình dáng rồng thời Lê Sơ đang vươn mình, đầu hướng về phía Tây, tọa lạc trên diện tích 5.000m2. Uốn lượn bên trong mình rồng là 10 khu triển lãm theo bản vẽ mô phỏng, tả thực theo thời gian phát triển của lịch sử cải lương. Người xem có thể đến đây thưởng thức những tác phẩm bất hủ, đặc biệt, thế hệ trẻ có dịp tìm hiểu về cải lương thông qua những phòng trưng bày khoa học. Các nghệ sĩ có dịp nhìn lại những tên tuổi làm rạng danh bộ môn nghệ thuật này qua mô hình 79 tượng sáp (nghệ sĩ Lâm Quang Nới thực hiện), hoặc nghe lại giọng hát của mình qua băng cassette, đĩa than, hay đĩa đá, băng video… Cạnh đó là kho tư liệu phong phú mà Linh Huyền may mắn sưu tập được, được chọn để gửi gắm…

Người đảm nhận phần xây dựng là kiến trúc sư Nguyễn Thành Thái - Tổng GĐ Cty Phú Mỹ. Kiến trúc sư Matthew Iain Young - Tổng GĐ GSA Studio thiết kế chính cho bảo tàng. Biết được khát vọng đóng góp cho nghệ thuật cải lương của Linh Huyền, ngân hàng cho chị vay vốn không tính lãi trong vòng 10 năm. Bản thân quỹ đất của Linh Huyền trị giá 25 tỉ đồng, chưa kể số hiện vật quý giá chị đang giữ, nhìn chung đã có sẵn một nửa kinh phí, chỉ thiếu 2 triệu USD để xây dựng. Khi bảo tàng đi vào hoạt động, chị hy vọng sẽ từ từ thu hồi vốn trả nợ ngân hàng, hoặc kêu gọi nhà đầu tư, “mạnh thường quân” hỗ trợ.

Giấc mơ điên rồ hay đẹp đẽ?

Lý giải vì sao bỏ một số tiền quá lớn như vậy làm bảo tàng, nghệ sĩ Linh Huyền nói: “Tôi may mắn được nhiều người thầy đáng kính trong nghề giảng dạy và tin tưởng trao lại những di vật, tài liệu cải lương quý giá. Bản thân tôi hết sức đam mê bộ môn này nên luôn tìm đọc, nghiên cứu những gì liên quan đến cải lương. Sợ rằng cá nhân mình không thể gìn giữ tốt những tài liệu quý giá nên tôi luôn mơ ước có một bảo tàng cải lương Nam Bộ để mọi người đến cùng tìm hiểu về bộ môn nghệ thuật tuyệt vời này”.

Trong buổi gặp gỡ, kiến trúc sư Matthew - người thiết kế bảo tàng - cho biết: “Bảo tàng sẽ được xây dựng mang hình dáng rồng vươn lên và hướng mặt về phía tây. Cấu trúc có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, bao xung quanh là tre nứa. Theo chiều dài thân rồng sẽ có 10 gian trưng bày theo hình vòng cung thể hiện sự phát triển của cải lương qua từng giai đoạn. Ở giữa là một nhà hát được thiết kế (khoảng 400 - 500 chỗ) để nghệ sĩ không cần đeo micro hát khán giả vẫn nghe rất rõ”.

Với dự án 100 tỉ đồng mà một đơn vị tư nhân phải tự gồng gánh, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại và cho rằng Linh Huyền quá liều! Bà Liên Chi - Trưởng phòng văn hóa văn nghệ Ban tuyên giáo Thành ủy TPHCM - chia sẻ: “Linh Huyền là nghệ sĩ cải lương tâm huyết, có những lúc chấp nhận hy sinh vì đam mê của mình. Tôi cảm phục những nghệ sĩ cải lương như thế. Nhưng để giấc mơ trở thành hiện thực không phải dễ. Công trình có quy mô và kinh phí lớn, vì vậy Huyền cần có một đề án thuyết phục để kêu gọi mọi người cùng chung tay!”.

Theo TS Lê Hồng Liêm - Phó Chủ tịch Thường trực phía Nam Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, nguyên Giám đốc Sở VTTT TPHCM, Nam Bộ rất cần có một bảo tàng cải lương như vậy. Vấn đề là cần có sự tiếp sức của Nhà nước, chuyên gia và của cả cộng đồng với nghệ sĩ Linh Huyền, để chị có thể điều hành dự án hiệu quả, góp phần bảo tồn và gìn giữ nghệ thuật cải lương.

“Tôi muốn tri ân người thầy của các nghệ sĩ cải lương - nghệ sĩ Út Trong. Thầy đã để lại 5 rương di vật và mong muốn tôi - học trò của thầy gìn giữ, tiếp nối, làm gì đó cho nghệ thuật cải lương, đừng để nó mai một. Nguồn thu của bảo tàng, ngoài việc bán vé, học phí học nghệ thuật, tài liệu, còn có từ việc cho thuê diện tích, kinh doanh mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, bán tranh, ảnh, sách, quần áo liên quan nghệ thuật cải lương, nhà hàng ăn uống, phòng nghỉ, tổ chức biểu diễn và tổ chức festival sân khấu quốc tế”.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn