MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghệ sĩ Lệ Thẩm qua đời ở tuổi 87. Ảnh: TLGĐ.

Nghệ sĩ Lệ Thẩm thành danh năm 17 tuổi, gần 30 năm sống ở Viện dưỡng lão

ĐÔNG DU LDO | 23/01/2024 12:04

Cố nghệ sĩ Lệ Thẩm là một trong những người đầu tiên sống ở Viện dưỡng lão nghệ sĩ Quận 8, TPHCM (khoảng năm 1996). Từ năm 17 tuổi, bà đã là đào chánh nức tiếng một thời.

17 tuổi đã là đào chánh

Cố nghệ sĩ Lệ Thẩm tên thật là Nguyễn Thị Thẩm. Bà sinh năm 1937 tại Bạc Liêu - mảnh đất ghi dấu ấn với vở cải lương Dạ Cổ Hoài Lang của cố nghệ sĩ Cao Văn Lầu.

Ngay từ nhỏ, bà đã có năng khiếu ca hát. Cha bà là nghệ sĩ Hai Cần nổi tiếng đánh đờn cổ nhạc cho đoàn hát Thái Bình của cô Ba Ngưu, mẹ cũng làm trong đoàn hát nên nghệ sĩ Lệ Thẩm sớm tiếp xúc với nghệ thuật.

5 tuổi, Lệ Thẩm đã lên sân khấu đóng vai đào con, công chúa và đi khắp các tỉnh lưu diễn. Bà từng kể, bà không được đào tạo trường lớp bài bản, đến với nghề nhờ theo cha mẹ đi lưu diễn và học theo các anh chị trong nghề. "Năm tôi 17 tuổi, cha gửi vào đoàn hát Năm Châu, từ đó trở thành đào chánh cho đoàn Năm Châu với vở diễn Tấm Cám, diễn xong vừa bước ra là khán giả ôm chặt lấy mình, đi đâu cũng nghe gọi cô Tấm, cũng từ đó nổi tiếng khắp nơi".

Sự nghiệp rực rỡ

Thời trẻ, bà xinh đẹp, có giọng ca ngọt ngào, nên thường được vào vai chính của nhiều vở diễn như vai hoàng hậu trong Chiến sĩ Phù Tang, người mẹ câm trong Trái tim thầm lặng, Thủy trong Khúc hát người tri âm, Tấm trong Tấm Cám, Đào Tiên trong Đào Tiên núi Cát, Kiều Nguyệt Nga trong Chuyện nàng Kiều, Mộng Cầm trong Chuyện tình chàng thi sĩ bán trăng…

Sau này, Lệ Thẩm tham gia trong một số phim như Mùa Len trâu, Dốc tình, Vòng xoáy tình yêu, Những ngọn nến Hoàng cung…

Nghệ sĩ Lệ Thẩm. Ảnh: TLGĐ.

Vợ chồng từng gồng gánh đoàn hát riêng

Bước ngoặt lớn không thể quên trong cuộc đời Lệ Thẩm là chuyển đi hát cho đoàn Tiếng Chuông, ở đoàn này bà gặp kép Tuấn Sỹ. Bà thương Tuấn Sỹ vì ông hiền lành, chịu khó rồi nên duyên.

Bà từng kể, ngày trước, vợ chồng bà hát đào chính kép chính được bao nhiêu tiền cũng để dành, không dám chơi bời. Sau đó hai vợ chồng gom vốn đứng ra mở một đoàn hát riêng lấy tên Nhụy Hương - Tuấn Sỹ. Cũng từ đó hai vợ chồng ngoài chuyện hát còn làm bầu cho cả đoàn, lo từ vở diễn đến chuyện tiền bạc trả lương cho anh em.

Vợ chồng bà chèo chống đoàn hát gần 15 năm rồi giải tán, bà chuyển sang hát cho đoàn Sài Gòn 3 của nghệ sĩ Nam Hùng. Năm 1996, chồng bà qua đời.

Nương nhờ nơi Viện dưỡng lão

Sau khi chồng mất, bà vào sống ở Viện dưỡng lão nghệ sĩ Quận 8, TPHCM. Ở Viện dưỡng lão, bà từng được giao làm thư ký cho hội dưỡng lão, chăm sóc anh em nghệ sĩ cao tuổi lúc ốm đau.

Nghệ sĩ Lệ Thẩm là một trong những nghệ sĩ đầu tiên tới ở tại Viện dưỡng lão nghệ sĩ; bà chứng kiến nhiều sự đổi thay nơi đây cũng như cuộc sống những năm cuối đời của nhiều nghệ sĩ đồng nghiệp.

Vào đầu năm 2023, do sự xuống cấp của Viện dưỡng lão nghệ sĩ, Hội Sân khấu TPHCM đã phối hợp với một số sở, ban ngành đề xuất chuyển các nghệ sĩ sang nơi ở mới tại Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè (TPHCM) để tiện chăm sóc các nghệ sĩ cao tuổi.

Theo dự kiến, các nghệ sĩ tại Khu Dưỡng lão được chuyển sang nhà mới trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Tuy nhiên, do các nghệ sĩ mong muốn được đón xuân ở ngôi nhà cũ một lần nữa (nơi đã gắn bó bao năm) nên kế hoạch chuyển nhà được dời sang sau Tết.

Tuy nhiên, nghệ sĩ Lệ Thẩm đã không chờ được đến ở ngôi nhà mới. Ngày 17.1, bà giã biệt cõi tạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn