MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghệ sĩ Thủ đô phấn khởi khi được đề xuất tăng tiền bồi dưỡng luyện tập

Hương Mai LDO | 12/10/2022 20:50

Nhiều Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) trên địa bàn Hà Nội hiện gặp khó khăn do mức lương, phụ cấp... còn thấp so với mặt bằng giá cả hiện tại.

Hà Nội bắt đầu thực hiện lấy ý kiến

Mới đây, ngày 9.10, Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội lấy ý kiến về đề xuất tăng tiền bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn cho các  NSND, NSƯT do nhiều nghệ sĩ còn gặp khó khăn.

Theo đó, NSND được hỗ trợ thêm 80.000 đồng, NSƯT được thêm 40.000 đồng/buổi tập, tương đương mức bồi dưỡng của diễn viên chính trong vở diễn sân khấu, opera, ballet, ca sĩ hát chính, nhạc công độc tấu. Với các buổi biểu diễn, NSND được hỗ trợ 200.000 đồng và NSƯT được hỗ trợ 100.000 đồng/buổi diễn, tương đương mức bồi dưỡng cho các diễn viên, nhạc công chính, người chỉ đạo chương trình, vở diễn.

Trao đổi với Lao Động, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, tăng tiền bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn áp dụng cho các NSND, NSƯT đang hoạt động nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. 

Trên thực tế, việc tăng tiền bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn đã được triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước. Thời gian này, Hà Nội bắt đầu thực hiện lấy ý kiến của các cơ quan ban ngành về tăng tiền bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn cho các  NSND, NSƯT do nhiều nghệ sĩ còn gặp khó khăn.

Theo đại diện của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có nhiều nghệ sĩ gặp hoàn cảnh khó khăn do đặc thù của ngành biểu diễn cộng thêm nhiều tác động bên ngoài... Hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều nghệ sĩ, diễn viên bị ảnh hưởng thu nhập, phải bươn chải với nhiều công việc khác nhau để nuôi đam mê, bám trụ với nghiệp diễn. 

Cảnh diễn trong vở “Vương nữ Mê Linh” của Nhà hát Chèo Hà Nội. Ảnh: Nhà hát Chèo Hà Nội

Nghệ sĩ phấn khởi

Theo chia sẻ của NSƯT Thanh Loan (Nhà hát Chèo Hà Nội), hiện tại ở Nhà hát có không ít các NSƯT có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Nhiều người phải đi diễn thêm bên ngoài để kiếm thêm thu nhập như đi hát chầu văn hay biểu diễn tại các sự kiện nhỏ…

Vì thế khi nhận được thông tin Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội lấy ý kiến về đề xuất tăng tiền bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn cho các NSND, NSƯT do nhiều người còn gặp khó khăn, anh em nghệ sĩ cảm thấy phấn khởi và vui mừng.

“Đây giống như một niềm động viên, khích lệ để các nghệ sĩ yêu nghề hơn. Bên cạnh đó, còn là sự tôn vinh xứng đáng với các nghệ sĩ tài năng, giúp họ ổn định đời sống, từ đó gắn bó lâu dài với nghệ thuật Chèo nói riêng và các bộ môn nghệ thuật khác nói chung” - NSƯT Thanh Loan bày tỏ.

Trao đổi với Báo Lao Động, Giám đốc Nhà hát Ca múa Nhạc Thăng Long - NSƯT Tấn Minh - cho biết, đề xuất tăng tiền bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn cho các NSND, NSƯT gặp khó khăn trong cuộc sống nên được thực hiện từ lâu.

NSƯT Tấn Minh cho hay, hiện nay, đời sống các nghệ sĩ chuyên nghiệp thuộc cơ quan Nhà nước là rất thấp. Vì thế, cần có cơ chế phù hợp để khích lệ họ cống hiến với nghề, với nền văn hoá nghệ thuật nước nhà.

Nói về mức hỗ trợ NSND thêm 80.000 đồng, NSƯT thêm 40.000 đồng/buổi tập; với các buổi biểu diễn, NSND được hỗ trợ 200.000 đồng và NSƯT được hỗ trợ 100.000 đồng/buổi diễn, NSƯT Tấn Minh cho rằng vẫn chưa thoả đáng so với công sức tập luyện của các nghệ sĩ. Tuy nhiên, cũng cần phải tính toán về tổng thể và xử lý từng bước một. Việc đề xuất này ban đầu đã thể hiện sự quan tâm và ghi nhận của cấp quản lý đối với các NSND, NSƯT Thủ đô.

“Nếu có một cơ chế, chính sách nào tốt hơn nữa thì chúng ta nên quan tâm, bởi văn hoá là một lĩnh vực quan trọng của đất nước. Tôi cho rằng, đề xuất tăng tiền bồi dưỡng là bước đầu tiên thể hiện sự quan tâm không chỉ riêng với NSND, NSƯT mà còn đối với những nghệ sĩ khó khăn trên địa bàn Thủ đô. Rộng hơn nữa là đối với giới văn nghệ sĩ nói chung, đặc biệt là nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống” - NSƯT Tấn Minh nhận định.

Cũng theo NSƯT Tấn Minh, rất khó để rạch ròi giữa việc phân chia tiêu chí khó khăn hay không khó khăn. Trên thực tế, có không ít những NSND, NSƯT có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt là nghệ sĩ tuổi xế chiều, họ đã có một chặng đường dài cống hiến cho nghệ thuật. Khi nghỉ hưu, họ lại tiếp tục miệt mài nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo, giữ gìn văn hoá và không có nguồn thu nhập bên ngoài. Như vậy, với mức lương hưu cơ bản, họ sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn