MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghệ sĩ Việt mắc kẹt khi bán hình ảnh ở gameshow?

Lan Anh LDO | 19/09/2022 14:54

Gameshow có thể mang đến niềm vui, giải trí, mang đến thu nhập “khủng” cho nhiều nghệ sĩ, nhưng cũng phơi bày những chuyện “dở khóc dở cười”.

Khi còn là nghệ sĩ đắt show bậc nhất, xuất hiện trên khắp các kênh sóng, ở đủ các vị trí MC, giám khảo, khách mời... Hoài Linh từng hé lộ về cát-xê: “Nếu tôi nhận tham gia một chương trình truyền hình thực tế, cát-xê cũng phải 3 tỉ thật, nhưng đó là 3 tỉ cho mấy chục số chứ đâu phải xuất hiện trên sân khấu là có 3 tỉ ngay”.

Theo nhiều nguồn tin khác, giá cát-xê nghệ sĩ tham gia gameshow đã có giá sàn, nhưng sẽ có độ chênh lệch nhất định tùy theo tên tuổi, danh tiếng, sức hút. Theo đó, nghệ sĩ tham gia một mùa gameshow ở vị trí MC, giám khảo (xuất hiện xuyên suốt nhiều số) nhận cát-xê ở mức vài tỉ đồng, nghệ sĩ xuất hiện ở vai trò người chơi, khách mời sẽ nhận khoảng 100 triệu đồng/ tập phát sóng.

Khi gameshow bùng nổ khắp các kênh truyền hình, cũng là lúc nghệ sĩ Việt có thêm những khoản thu nhập “khủng”. Nhiều nghệ sĩ chạy show ghi hình các chương trình trò chơi giải trí đã kín lịch. Cũng từ đây, nhiều bi hài đã bắt đầu.

Nghệ sĩ bị “bêu xấu” ở gameshow

Kịch bản nhiều gameshow khiến hình ảnh nghệ sĩ bị bôi xấu trên truyền hình. Ảnh: CMH

Lộ những lỗi sai kiến thức cơ bản, tham gia trò chơi phản cảm, bị đồng nghiệp bodyshaming (chế giễu ngoại hình), đời tư lộ tẩy... là những “cái giá” nghệ sĩ phải trả khi tham gia gameshow.

Ở hầu hết chương trình giải trí như “7 nụ cười xuân”, Running Man, “2 ngày 1 đêm”... nghệ sĩ tham gia đều phải thực hiện những trò chơi mang tính thử thách, trong đó có những trò chơi “phản chủ” với hình ảnh nghệ sĩ như đập trứng gà vào mặt nhau, hất bột xanh đỏ lên người, hôn môi đồng giới...

Khi tham gia, nghệ sĩ đơn giản nghĩ rằng, chơi cho vui, cống hiến hết mình cho khán giả những phút giải trí, mua vui. Nhưng thực tế, nhiều hình ảnh được chụp lại cho thấy, nghệ sĩ đang dễ dãi với hình ảnh của chính mình.

Họ có thể bỏ hàng giờ đồng hồ để trang điểm, lộng lẫy trước thảm đỏ, nhưng sẵn sàng làm đủ trò lố ở các kịch bản gameshow để câu rating cho chương trình.

Thậm chí, nhiều chương trình đã phải dừng sóng vì những trò chơi quá phản cảm, đơn cử như “Đố ai hát được”.

Hình ảnh các trò chơi ở “2 ngày 1 đêm“. Ảnh: NSX

Bên cạnh loạt gameshow vận động, những chương trình có kịch bản yêu cầu về kiến thức như Ai là triệu phú, Nhanh như chớp, Ai thông minh hơn học sinh lớp 5... lại càng “chơi khó” nghệ sĩ.

Trong một tập phát sóng của chương trình Nhanh như chớp, diễn viên Thùy Anh đứng trước thử thách với câu hỏi: "Loài thú duy nhất nào biết đẻ trứng?", Thùy Anh trả lời: "Con mèo". Câu trả lời này khán giả cả trường quay “choáng váng”.

Một trường hợp khác, nam diễn viên Văn Anh đã không thể trả lời được đáp án “Áo dài” trong câu hỏi: “Cô gái trong tác phẩm “Thiếu nữ bên hoa huệ” của danh họa Tô Ngọc Vân mặc trang phục gì?”. Với câu hỏi: "Hổ, báo, sư tử là những loài động vật thuộc họ nào?", Văn Anh cũng xin chịu.

Nam ca sỹ Sỹ Luân trả lời : “Ông Bụt sử dụng câu thần chú Khắc nhập, khắc xuất đối với… cây khế”, diễn viên Minh Hương không biết nước Pháp có đường biên giới với quốc gia nào, hay hoa hậu Phạm Hương không thể gọi được tên “huyết tương” trong câu hỏi: “Hãy cho biết máu khi chảy đông lại có một ít nước màu vàng trên vết thương đó là gì?”... là loạt tình huống bi hài của nghệ sĩ Việt ở các gameshow.

Mắc kẹt ở gameshow, quên làm nghề

Không ít nghệ sĩ đã đến với khán giả từ truyền hình, đã nổi tiếng nhờ truyền hình và vẫn nuôi danh bằng truyền hình. Khi gameshow sản xuất ồ ạt, cát-xê “khủng”, nhiều nghệ sĩ dành thời gian lớn cho gameshow. Nhiều khán giả ví, nghệ sĩ đang bán hình ảnh cho gameshow, khi tham gia đủ trò chơi giải trí ở khắp các kênh, thay vì làm nghề.

Nhanh như chớp khiến nhiều nghệ sĩ bị chỉ trích vì sai kiến thức cơ bản. Ảnh: CMH

Nhiều ca sĩ, diễn viên giờ đây “chuyên tâm” chơi gameshow, rất hiếm khi ra mắt sản phẩm.

Xét sòng phẳng, cũng có cái khó cho nghệ sĩ, khi số lượng phim sản xuất ít ỏi, dự án âm nhạc từ phát hành album đến tổ chức liveshow – gần như đều thua lỗ. Một ca sĩ dồi dào tài chính đến mấy cũng sẽ cân nhắc tổ chức đêm nhạc riêng, đặc biệt sau bối cảnh đại dịch. Tiền bỏ ra làm liveshow lớn, trong khi chuyện bán vé lại bấp bênh.

Nói như Trương Thế Vinh, “Chúng tôi muốn làm nghề lắm chứ, nhưng số lượng dự án phim sản xuất mỗi năm rất ít, số phim chất lượng càng ít hơn. Chúng tôi không thể ngồi im chờ đợi cho đến khi có kịch bản phim ưng ý. Nếu chờ đợi như vậy, có thể cả năm thậm chí lâu hơn mới có vai”.

Để công nghiệp hóa văn hóa, cần phải quy tụ được đông đảo nghệ sĩ có tài năng, khát vọng, để có sản phẩm chất lượng. Nhưng để quy tụ được nghệ sĩ chăm chỉ làm nghề, lại cần thị trường sôi động, cần lực lượng sáng tác đông đảo, chuyên nghiệp, khán giả chịu chi trả.

Đây sẽ là câu chuyện “con gà – quả trứng” tranh cãi không hồi kết khi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch muốn công nghiệp hóa văn hóa đến 2030, tầm nhìn đến 2045.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn