MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nghệ sĩ xiếc tại TPHCM. Ảnh: Ngọc Dủ

Nghệ sĩ xiếc không phải “kẻ mua vui”

NGỌC DỦ LDO | 28/07/2020 07:22

Để có những phút giây thăng hoa trên sân khấu, các nghệ sĩ xiếc Việt đã trải qua quá trình luyện tập gian lao từ nhỏ, chịu nhiều hy sinh và mạo hiểm. Muốn tồn tại và theo đuổi đam mê nghề, họ phải trả bằng cả mồ hôi, máu và nước mắt... 

Một ngày cùng đoàn xiếc tại Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, nơi có nhiều bạn trẻ đam mê nghề xiếc đang theo học lớn nhất tại TPHCM, chúng tôi có dịp gặp để cùng chia sẻ những tâm sự, mong ước về cái nghề đặc thù mà theo họ là “nửa vời” giữa ranh giới nghệ sĩ và người biểu diễn mua vui.

Đam mê và đánh đổi

Có hàng chục nghệ sĩ xiếc trẻ đang theo học và biểu diễn tại Nhà hát nghệ thuật Phương Nam. Có người mới vào, người đã theo đoàn hơn 10 năm, tất cả đều xuất phát từ đam mê và cái duyên với nghề. Họ phải chấp nhận xa gia đình từ nhỏ để khổ luyện, theo đuổi ước mơ.
Diễn viên Nhã Hiếu luyện tập tiết mục biểu diễn. Ảnh: NSCC

“Dưới ánh đèn sân khấu, chúng tôi thật lung linh, có những phần trình diễn thăng hoa. Nhưng đêm về, bản thân lại đau đáu nghĩ đến tương lai, nghĩ về cái nghề phải bỏ bao mồ hôi nước mắt, đặt cược mạng sống vào những đêm diễn này”, nghệ sĩ Nhã Hiếu thuộc bộ môn xiếc tổng hợp trăn trở. Theo nghề gần 10 năm, Hiếu lặn lội từ quê nhà Quảng Nam vào TPHCM lập nghiệp. Hiếu theo bộ môn nghệ thuật xiếc uốn dẻo, sở hữu nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, khi nhìn lại quãng đường đã qua, Nhã Hiếu chia sẻ, cái giá phải trả là không rẻ. Không một diễn viên xiếc nào lại tránh khỏi những rủi ro, nhất là những người còn trẻ, non nghề. Có người bị tai nạn phải bỏ nghề hoặc chuyển nghề, còn chuyện chảy máu, chấn thương như cơm bữa, nhưng những đau thương ấy không làm vơi đi niềm đam mê xiếc của họ.

“Có nhiều người hỏi rằng tại sao tôi còn trẻ, còn nhiều điều phía trước lại đi chọn cái nghề này, vừa khó khăn, gian khổ mà ít người biết đến. Rồi, tôi tự hỏi mình liệu rằng có chọn sai con đường hay không? Tủi vì mình không được nổi tiếng như các nghệ sĩ khác, nhưng tôi tự hào vì được sống với đam mê của mình, điều mà không phải bạn trẻ nào cũng thực hiện được”. Thanh Hoa, một cô gái trẻ đã quá quen thuộc với các chương trình truyền hình trải lòng khi nói về nghề. Còn trẻ, Thanh Hoa chấp nhận hy sinh nhiều thứ và dồn hết công sức cho lựa chọn cuộc đời.

Tâm sự với Hoàng Dũng, một nghệ sĩ xiếc kỳ cựu với hơn 30 năm gắn bó với bộ môn thăng bằng với ống lăng, anh chia sẻ: “Đã có lúc tôi muốn buông bỏ vì chấn thương. Giờ nhìn lại lớp trẻ, tôi thấy thương lắm, vì nhìn thấy chính mình trong đó”.

Cứ nghĩ tốt đẹp mọi khó khăn sẽ qua

Thất bại, chấn thương, tai nạn nghề nghiệp và trả giá bằng cả những thương tật cả đời... là chuyện thường tình đối với các diễn viên xiếc trẻ. Cũng vì quen nên họ xem nhẹ mọi khó khăn và tâm niệm rằng “cứ nghĩ về những điều tốt đẹp thì khó khăn sẽ qua”.

Nhìn lại mặt bằng chung của nghề xiếc tại Việt Nam thì việc mưu sinh bằng nghề đang là lựa chọn không nhiều người dám theo đuổi. Bên cạnh đó, số lượng rạp xiếc bây giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, ngoài rạp xiếc tại Nhà hát Phương Nam thì hầu như TPHCM chỉ có xiếc theo hộ gia đình, đội nhóm.

“Tôi không muốn khi mọi người nhắc đến những người nghệ sĩ xiếc nói chung và những người trẻ yêu xiếc như chúng tôi nói riêng, chỉ thấy những điều tiêu cực, khó khăn. Đó là sự thương hại hơn là lời cảm thông. Nghề nào cũng có khó khăn của nó cả, chúng tôi cũng vậy. Nhưng cách chúng tôi đến với nghề chỉ gói gọn trong từ đam mê và thái độ sống tích cực. Nghĩ về những điều tốt đẹp thì mọi thứ cũng trở nên dễ dàng hơn” - Thanh Hoa chia sẻ.

Không phải lúc nào khách đến xem cũng đông đúc, sân khấu còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những ai đã quyết định gắn bó với nghề bằng niềm đam mê thì họ vẫn từng ngày sống, biểu diễn và cháy hết mình trên sân khấu. Họ cho rằng khó khăn, vật chất chỉ là chuyện nhỏ, vấn đề quan trọng chính là tâm có vững, yêu nghề có hết mình hay không?

Mong ước được công nhận của người nghệ sĩ

Thăng trầm nhiều trong nghề dù tuổi đời còn trẻ, nhiều nghệ sĩ yêu xiếc vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm chỗ đứng trong lòng khán giả. Và họ mang theo thật nhiều ước mơ, nhiều khát vọng về một tương lai tươi sáng hơn.

Phước Hiển - giải Bạc Liên hoan Xiếc Quốc tế 2015 - bày tỏ: “Mong rằng sẽ có thêm nhiều sân khấu để nghệ sĩ xiếc trẻ như chúng tôi có cơ hội trải nghiệm và học hỏi. Mong rằng nhiều khán giả sẽ biết đến nghệ thuật xiếc nhiều hơn và hơn hết là chúng tôi sẽ có được một chỗ đứng trong lòng công chúng”. Khi hỏi rằng đâu là điều quan trọng nhất mong muốn ở công việc này, không phải tiền bạc, danh tiếng mà đau đáu lớn nhất của các nghệ sĩ trẻ chỉ đơn giản: “Chúng tôi không mong mình sẽ hái ra nhiều tiền như các diễn viên, ca sĩ, dù cũng đang ngày đêm lao động nghệ thuật, cống hiến. Chúng tôi chỉ muốn được nhìn nhận mình là một nghệ sĩ, không phải là “kẻ mua vui...”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn