MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
"Gái nhảy" từng là phim công phá màn ảnh của Lê Hoàng cách đây hơn 20 năm. Ảnh: Chụp màn ảnh

Nghịch cảnh của 2 đạo diễn đứng sau phim “Trà” và “Đào, phở và piano”

Bình An LDO | 09/03/2024 12:04

Mùa phim Tết Nguyên đán, phim “Trà” của đạo diễn Lê Hoàng và “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn cùng ra rạp. Mỗi bộ phim mang một số phận khác nhau. Đứng sau 2 tác phẩm là hai đạo diễn cùng thế hệ và có nhiều duyên nợ.

Ngay khi ra rạp, “Trà” vội vã phải lùi lịch chiếu vì sức ép áp đảo của “Mai” – đạo diễn Trấn Thành, trong khi đó, một phim tưởng như sẽ ít được quan tâm là “Đào, phở và piano” lại làm nên chuyện nhờ Tiktoker.

2 bộ phim của một thế hệ

Đạo diễn Lê Hoàng (phim Trà) và đạo diễn Phi Tiến Sơn (phim Đào, phở và piano) từng có tác phẩm cùng ra rạp năm 2003, cách đây hơn 10 năm, thời đó họ khuynh đảo phòng vé theo những cách khác nhau. “Gái nhảy” của Lê Hoàng – một bộ phim nhà nước do Hãng phim Giải phóng sản xuất lập kỳ tích phòng vé chưa từng có với hơn 12 tỉ đồng, trong khi “Lưới trời” của đạo diễn Phi Tiến Sơn “vượt mặt” “Gái nhảy” ở các giải thưởng nhà nghề.

Lê Hoàng và Phi Tiến Sơn cùng thế hệ, cùng trưởng thành từ những hãng phim nhà nước với nhiều sự tương đồng.

Đạo diễn Lê Hoàng sinh năm 1956 tại Hà Nội, từng theo học Đại học Xây dựng Hà Nội, sau đó chuyển sang học Quay phim tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn sinh năm 1954, ông thi đỗ vào Đại học Bách Khoa Hà Nội, sau đó cũng chuyển sang học Quay phim tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Sau một năm theo học khoa Quay phim, ông được cử đi học thêm về điện ảnh tại Cộng hòa Dân chủ Đức.

Về nước, Phi Tiến Sơn từng làm công việc quay phim tại Hãng phim truyện Việt Nam, sau đó chuyển sang công tác đạo diễn và rời về Hãng phim truyện I.

Đạo diễn Lê Hoàng vào TP.HCM, đầu quân cho Hãng phim Giải phóng.

Năm 2024, phim “Trà” của Lê Hoàng phải rút khỏi đường đua phim Tết trước sự áp đảo của phim “Mai” do Trấn Thành đạo diễn. Ảnh: Chụp màn hình

Thời kỳ đầu sự nghiệp, Lê Hoàng có nhiều tác phẩm gây tiếng vang, như Chiếc chìa khóa vàng, Ai xuôi vạn lý, Lương tâm bé bỏng, Lưỡi dao... Trong khi đó, Phi Tiến Sơn khi chuyển sang công việc đạo diễn đã có loạt tác phẩm ấn tượng từ điện ảnh đến truyền hình.

Ở vị trí đồng đạo diễn cùng với Nguyễn Hữu Phần, Phi Tiến Sơn đã có tác phẩm “Em còn nhớ hay em đã quên” nổi tiếng, ăn khách năm 1993.

Sau này, Phi Tiến Sơn có “Người vác tù và hàng tổng” được yêu thích khắp màn ảnh nhỏ, “Vào Nam ra Bắc” là tác phẩm điện ảnh được giới chuyên môn ngợi khen.

Ở thế hệ của mình, trong giai đoạn sung sức nhất, cả Lê Hoàng và Phi Tiến Sơn đều có những tác phẩm ấn tượng, là những tên tuổi có dấu ấn riêng. Họ có những tác phẩm được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, đồng thời, cũng có những thước phim khuynh đảo phòng vé.

Thế hệ các đạo diễn như Lê Hoàng, Phi Tiến Sơn – những người thuộc các hãng phim nhà nước đã phải “vật lộn” với cơ chế thị trường, trước thách thức phòng vé để tìm được lối đi.

Sau “Gái nhảy”, Lê Hoàng chuyển mình từ những bộ phim mang dấu ấn nghệ thuật cá nhân để bám sát thị trường, thị hiếu khán giả như Trai nhảy, Lọ lem hè phố, Nữ tướng cướp... Sau “Vào Nam ra Bắc”, “Lưới trời”, đạo diễn Phi Tiến Sơn vẫn trụ lại với dòng phim nhà nước, để tiếp tục có “Đào, phở và piano”.

Hai đạo diễn gặp lại nhau ở phòng vé năm 2024, họ rơi vào những nghịch cảnh khác nhau, với 2 bộ phim mang số phận khác nhau, nhưng vẫn có sự tương đồng trong số phận.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn (thứ 3 từ trái sang) chỉ đạo một cảnh quay phim “Đào, phở và piano“. Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp

Thất bại được dự báo và thành công bất ngờ

“Trà” trước khi phải rời rạp vì lép vế về suất chiếu, doanh thu ít ỏi, còn bị chê về tư duy làm phim cũ, kịch bản đầy lỗ hổng, nữ chính diễn “thảm họa”. Đây là tác phẩm bị chê tiếp theo của đạo diễn Lê Hoàng sau loạt tác phẩm không được đánh giá cao như Tối nay, 8 giờ! (2011), Cát nóng (2012), S.O.S Sói trắng (2017)...

Trở lại màn ảnh sau 7 năm, Lê Hoàng mang đến một tác phẩm chịu tác động lớn về doanh thu với công thức: đề tài ngoại tình + cảnh nóng. Liên tiếp các tác phẩm theo xu hướng thương mại sau này, Lê Hoàng sa đà vào những câu chuyện khiên cưỡng, phi thực tế, bất chấp logic cần có.

“Đào, phở và piano” nếu xét sòng phẳng, là tác phẩm thua xa “Vào Nam ra Bắc” – một bộ phim khác về chiến tranh của đạo diễn Phi Tiến Sơn ra mắt năm 2000, cách đây hơn 20 năm.

“Đào, phở và piano” từng bị nhận xét là có cách thức làm phim, tư duy về cuộc chiến theo cách cũ, và lối xây dựng nhân vật tham gia cuộc chiến khá theo khuôn mẫu.

“Vào Nam ra Bắc” là tác phẩm để lại dấu ấn lớn nhất của đạo diễn Phi Tiến Sơn tính đến thời điểm này. Ảnh: Chụp màn hình

Việc “Đào, phở và piano” được chú ý một cách đầy bất ngờ cho thấy dòng phim đặt hàng nhà nước đã đến lúc cần sự thay đổi toàn diện từ sản xuất đến phát hành.

Sự thất bại được đoán trước của “Trà” chứng minh rằng, giờ đây, kể cả phim thương mại, phim giải trí muốn bán được vé cho khán giả, cũng cần phải có chất lượng, có kịch bản chỉnh chu, không thể bán vé mãi bằng “cảnh nóng” và đề tài gây sốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn